Giao thông mở hướng làm giàu vùng biên viễn Quảng Ninh

Với việc đầu tư phù hợp, hệ thống hạ tầng giao thông ở huyện miền núi, biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) đã tạo 'cú hích' quan trọng để địa phương này vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, tiến bước cùng miền xuôi.

Những con đường nhỏ, giá trị lớn

Ngày đầu tháng 3, ông Dương Văn Chình, người dân tộc Sán Chỉ ở thôn Nà Luông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu phấn khởi khoe căn nhà rộng chừng trên 60m2, nền lát gạch hoa khang trang sắp hoàn thành. "Thế là ước mơ cả đời tôi được ở căn nhà kiên cố sắp thành hiện thực rồi!", ông Chình nói.

Ông Chình kể, mấy chục năm trước, gia đình ông từ khu vực biên giới xã Đồng Văn cùng một số hộ di cư về đây, tạo nên thôn Nà Luông ngày nay. Nhưng do trình độ canh tác lạc hậu, giao thông khó khăn, nên một thời gian dài, đời sống của các hộ đều khó khăn, ít hộ được ở nhà kiên cố.

Con đường bê tông từ quốc lộ 18C vào thôn Nà Luông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu mới được làm đã tạo vận hội mới cho đồng bào nơi đây thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Con đường bê tông từ quốc lộ 18C vào thôn Nà Luông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu mới được làm đã tạo vận hội mới cho đồng bào nơi đây thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Mấy năm trước, những khó khăn về giao thông của thôn Nà Luông đã được tháo gỡ khi huyện đầu tư tuyến đường dài trên 4km từ quốc lộ 18C vào trong thôn với tổng mức đầu tư gần chục tỷ đồng. Khi dự án triển khai, nhiều hộ dân nơi đây đã hiến đất, nên đường được thi công nhanh chóng, đảm bảo chất lượng.

Khi đường bê tông được làm vào thôn, ô tô tải chạy thuận tiện thì giá nông - lâm sản tăng lên, lại dễ bán. Thấy vậy, gia đình ông Chình cũng như nhiều hộ khác đã tận dụng tối đa diện tích vườn, đồi để trồng cây lấy gỗ, thâm canh tăng vụ và chăn nuôi.

"Mấy tháng trước, đồi rừng được thu hoạch giá cao, đúng dịp gia đình được hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà, nên tôi bỏ thêm gần 70 triệu để làm căn nhà này. Tuy còn nợ một ít, nhưng vụ thu hoạch gỗ tới là trả hết được thôi", ông Chình chia sẻ.

Ông Dương Văn Chình bên căn nhà mới đang hoàn thiện.

Ông Dương Văn Chình bên căn nhà mới đang hoàn thiện.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Dương Văn Sằn, trưởng thôn Nà Luông cho biết: Thôn có 100% người dân tộc Sán Chỉ sinh sống với trên 40 nóc nhà. Từ ngày có đường mới, cuộc sống của bà con nơi đây thay đổi từng ngày, các hộ xây nhà kiên cố, mua xe máy, ti vi...

Tiếp tục đến với những thôn giáp biên của huyện Bình Liêu, có thể ghi nhận được những điểm dân cư với những căn nhà kiên cố, khang trang nhờ vào những con đường bê tông được đầu tư kết nối chặt chẽ.

Anh Trần Văn Thành, người dân tộc Sán Chỉ ở thôn Loòng Vài, xã Hoành Mô kể: Ở thôn, nhà nào cũng có nhiều diện tích trồng hồi, quế, cây lấy gỗ. Thời gian trước, khi chưa có đường ô tô, nên việc thu hoạch, tiêu thụ nông - lâm sản rất gian nan, giá lại thấp.

Từ đầu năm 2019, đường bê tông qua hai thôn Loòng Vài - Co Sen dài hơn 4km được làm, từ đó tiểu thương đưa ô tô đến tận bìa rừng thu mua hồi, quế với giá cao, cuộc sống của bà con cứ thế ổn định hơn.

Giao thông mở hướng làm giàu

Với diện tích tự nhiên là 470,76 km², Bình Liêu là địa phương vùng sâu, vùng xa nhất trên tuyến biên giới đất liền của Quảng Ninh. Hiện dân số toàn huyện là trên 3,33 vạn người, trong đó 96% là người dân tộc thiểu số.

Mặc dù là huyện biên giới, có khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô, nhưng thời gian trước, do hạ tầng giao thông các thôn, xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, nên đời sống bà con còn lạc hậu, tỷ lệ đói, nghèo còn rất cao.

Nhận thấy, giao thông là "xương sống" của sự phát triển, nên những năm gần đây, từ các nguồn vốn, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Hạ tầng giao thông kết nối ra Cửa khẩu Hoành Mô đã được đầu tư tương đối đồng bộ.

Hạ tầng giao thông kết nối ra Cửa khẩu Hoành Mô đã được đầu tư tương đối đồng bộ.

Kết quả là đến nay, hệ thống giao thông trục chính ở Bình Liêu được đầu tư nâng cấp khá đồng bộ. Hiện toàn huyện có 431,1km đường giao thông, trong đó đường huyện là 101,68km, đường xã 83,74km, đường thôn 121,95km, đường ngõ xóm 76,81km và đường nội đồng 46,99km đều được đổ bê tông, đổ asphalt.

Nổi bật từ năm 2020, huyện Bình Liêu đã hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản, khu phố với tổng chiều dài 250km để nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Mặt khác, quốc lộ 18C qua huyện Bình Liêu dài trên 44km kết nối với quốc lộ 18 đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn cấp III có quy mô từ 2-4 làn xe, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa từ khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô với các địa phương khác.

Từ phát triển giao thông, huyện Bình Liêu đã tập trung đầu tư để thu hút doanh nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trọng tâm là phát triển nông - lâm nghiệp, kinh tế biên mậu, dịch vụ, du lịch... Điển hình, khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô đã được đầu tư sân bãi đỗ xe trên diện tích 2,7ha, nhà kiểm hóa trên diện tích 1.260m2, hiện đang triển khai dự án khu kho bãi hàng hóa với quy mô 6,46ha và dự án khu logistics diện tích 19,4ha...

Lễ hội hoa sở Bình Liêu - một trong những hoạt động thu hút nhiều khách du lịch đến địa bàn.

Lễ hội hoa sở Bình Liêu - một trong những hoạt động thu hút nhiều khách du lịch đến địa bàn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Hoàng Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Liêu cho biết: Do giao thông đồng bộ đã góp phần quan trọng làm cho kinh tế của Bình Liêu có sự chuyển mình toàn diện.

Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của Bình Liêu đạt trên 13%/năm. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 62,9 triệu đồng/người/năm.

Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn là 44,3% tổng số hộ thì nay con số này chỉ còn 0,19%. Bình Liêu đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 và đang triển khai chương trình nông thôn mới nâng cao...

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giao-thong-mo-huong-lam-giau-vung-bien-vien-quang-ninh-192240103080327535.htm