Giáo viên phấn khởi vì không phải kiêm nhiệm quá hai việc, hiệu trưởng được nghỉ hè

Thông tư 05 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học có hiệu lực kể từ ngày 22/4 có nhiều điểm mới khiến giáo viên, quản lý trường học phấn khởi vì đã có những điều chỉnh hợp lý.

Giảm áp lực cho giáo viên

Thông tư quy định, mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ. Thời gian làm việc của giáo viên thực hiện theo năm học và được quy đổi thành tiết dạy, bao gồm số tiết dạy trong 1 năm học và số tiết dạy trung bình trong 1 tuần theo định mức.

Trong đó, giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần; giáo viên THCS 19 tiết/tuần và giáo viên THPT dạy 17 tiết/tuần.

Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường.

Thông tư 05 của Bộ GD&ĐT có nhiều quy định mới thuận lợi cho giáo viên và người làm công tác quản lý trường học. (ảnh: Duy Phạm)

Thông tư 05 của Bộ GD&ĐT có nhiều quy định mới thuận lợi cho giáo viên và người làm công tác quản lý trường học. (ảnh: Duy Phạm)

Trường hợp phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng ưu tiên phân công kiêm nhiệm đối với giáo viên chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần và bảo đảm giáo viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ, căn cứ vào kế hoạch giáo dục, thực trạng đội ngũ và định mức tiết dạy trong 1 năm học, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy theo định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần. Trường hợp phải phân công giáo viên dạy vượt định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần thì tổng tiết dạy vượt trong 1 tuần không quá 50% định mức tuần.

Đối với nhiệm vụ chưa được quy định chế độ giảm định mức tiết dạy hoặc chưa được quy đổi ra tiết dạy thì hiệu trưởng căn cứ vào mức độ phức tạp, khối lượng công việc của nhiệm vụ, dự kiến số tiết dạy quy đổi đối với nhiệm vụ đó để xin ý kiến của hội đồng trường. Sau khi thống nhất, trường phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Giáo viên được quy định rõ trách nhiệm, đó là ngoài dạy học phải chủ động nắm bắt thông tin học sinh của từng lớp được phân công chủ nhiệm. Có kế hoạch hoạt động nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh; hỗ trợ giám sát việc học tập, rèn luyện của học sinh.

Về thời gian hoạt động, mỗi nhà trường đảm bảo 35 tuần thực dạy/năm học. Ngoài ra, còn có 2 tuần dự phòng cho các trường hợp bất thường như thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.

Hiệu trưởng, hiệu phó được nghỉ hè

Hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên phổ thông làm việc 42 tuần vì có thêm 3 tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 2 tuần chuẩn bị cho năm học mới và tổng kết năm học.

Thông tư cũng quy định rõ về thời gian nghỉ hè của giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Tuy nhiên, trong thời gian học sinh nghỉ hè, giáo viên sẽ tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, thực hiện công tác thi. Sau đó, căn cứ kế hoạch năm học, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên phù hợp.

Đặc biệt, trong thông tư lần này, Bộ GD&ĐT đã quy định rõ thời gian nghỉ hè hằng năm của hiệu trưởng, hiệu phó. Theo đó, trong năm học, hiệu trưởng, hiệu phó được nghỉ hè, nghỉ lễ tết theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.

Thời gian nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó được bố trí linh hoạt trong năm học và trong thời gian nghỉ hè của giáo viên để đảm bảo các hoạt động của nhà trường diễn ra bình thường, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ công tác do cơ quan quản lý triệu tập.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định rõ ràng định mức, trách nhiệm của giáo viên, quản lý các nhà trường.

Trước đây, thực tế hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không có thời gian nghỉ hè vì sau khi học sinh kết thúc năm học vẫn còn nhiều công việc liên quan đến hỗ trợ học sinh lớp 9 ôn thi, tham gia coi thi, chấm thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Sau đó, nhà trường sẽ tham gia làm các phần việc như trả điểm, hướng dẫn học sinh nhập học đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất để tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, trực tiếp.

“Hoàn thành tuyển sinh, hiệu trưởng, hiệu phó cùng giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn chuẩn bị cho năm học mới. Do đó, khi có quy định mới một cách rõ ràng, sẽ thuận lợi hơn cho các trường học trong bố trí, sắp xếp nhiệm vụ và nghỉ hè”, bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 việc là phù hợp vì để giáo viên dành thời gian, tâm huyết cho các giờ dạy.

Thực tế quy định mỗi giáo viên 19 tiết và nếu làm chủ nhiệm được trừ 4 tiết, thực dạy 15 tiết/tuần nhưng làm chủ nhiệm lớp phải “gánh” rất nhiều việc khó có thể kể hết.

Giáo viên một trường THCS tại Hà Nội cho biết, trước đây cô cùng lúc phải thực hiện ba việc gồm: Giáo viên bộ môn, chủ nhiệm lớp và hỗ trợ các công tác Đội. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động nên cô phải làm nhiều việc không tên và không được tính công.

Chưa kể, làm chủ nhiệm cũng rất vất vả vì phải theo sát tình hình học tập, mâu thuẫn giữa bạn bè, hội nhóm để nắm bắt tình hình và có giải pháp xử lý. Phụ huynh nhắn tin, gọi điện trao đổi thông tin của con cả ngày lẫn đêm rất áp lực. "Vì thế, khi có quy định, mỗi giáo viên không bố trí quá 2 nhiệm vụ mình rất phấn khởi vì như vậy mới đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các giáo viên trong nhà trường", cô giáo nói.

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Bộ GD&ĐT quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ, trong đó bao gồm cả việc kiêm nhiệm công việc chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác nhằm giảm áp lực cho giáo viên, giúp nhà giáo có thời gian tập trung vào công tác chuyên môn, đảm bảo giờ dạy chất lượng.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giao-vien-phan-khoi-vi-khong-phai-kiem-nhiem-qua-hai-viec-hieu-truong-duoc-nghi-he-post1736265.tpo