Gìn giữ nét văn hóa từ nghề làm giày thổ cẩm của người Thu Lao

Với những gam màu rực rỡ, hoa văn và các tua rua trang trí cầu kỳ, những đôi giày thổ cẩm rất độc đáo của người Thu Lao như một nét văn hóa đặc sắc cần được gìn giữ. Giày thổ cẩm là sản phẩm đặc trưng mà phụ nữ Thu Lao ở vùng cao tỉnh Lào Cai có thể phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Sự khéo léo của đôi bàn tay phụ nữ Thu Lao đã làm nên những đôi giày thổ cẩm màu sắc rất độc đáo – Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường

Sự khéo léo của đôi bàn tay phụ nữ Thu Lao đã làm nên những đôi giày thổ cẩm màu sắc rất độc đáo – Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường

Trong kho tàng văn hóa của người Thu Lao, trang phục truyền thống làm nên bản sắc riêng, đặc biệt nhất là đôi giày thổ cẩm được phụ nữ làm hoàn toàn các công đoạn bằng tay. Chất liệu để làm nên đôi giày cũng là chất liệu được phụ nữ Thu Lao tự trồng bông, dệt vải, nhuộm màu lá cây để tạo màu sắc khi sáng tạo hoa văn và nghệ thuật can vải.

Người con gái Thu Lao rất khéo tay, ngay từ thời thiếu nữ đã được những người thân trong gia đình truyền dạy cách thêu may áo váy, làm giày thổ cẩm để tự làm cho mình và người thân. Chính vì thế, với người Thu Lao, một phụ nữ được xem là khéo léo giỏi giang thì trước tiên phải biết may thêu váy áo và làm giày thổ cẩm.

Bà Hồ Si Séng, người Thu Lao ở thôn Thải Giàng Sán, xã Tả Gia Khâu biết may thêu từ lúc 14-15 tuổi, được bà và mẹ dạy cách may áo, khâu giày thổ cẩm… Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường

Bà Hồ Si Séng, người Thu Lao ở thôn Thải Giàng Sán, xã Tả Gia Khâu biết may thêu từ lúc 14-15 tuổi, được bà và mẹ dạy cách may áo, khâu giày thổ cẩm… Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường

Dừng tay đang khâu dở đôi giày, chị Hồ Si Vín (ở thôn Thải Giàng Sán, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương) chia sẻ: “Mình biết khâu giày từ năm 14 tuổi, được ông bà dạy cho. Ban đầu ông bà mình dạy cách khâu xương giày, rồi cách thêu hoa văn lên thân giày, cách trang trí những tua rua để làm cho đôi giày thêm đẹp. Sau này lớn lên, mình tự làm giày để mình đi. Khi đi làm dâu, về nhà chồng, mình lại khâu giày để tặng bố mẹ và người thân trong gia đình nhà chồng, khi có con lại khâu giày cho con, cho chồng”.

Cách làm thì giống nhau, nhưng để có một đôi giày đẹp, bắt mắt, đi êm chân thì phụ thuộc hoàn toàn vào tài khéo tay của người làm ra nó.

Đôi giày thể hiện sức sáng tạo về màu sắc, đường nét và khéo léo từng đường kim mũi chỉ của mỗi phụ nữ Thu Lao. Hoa văn trang trí trên đôi giày thể hiện rõ những hoa lá, cỏ cây chim muông trong rừng, những hình mô phỏng nông cụ, núi đồi, ruộng bậc thang và những con vật, cây cối gần gũi với cuộc sống thường nhật cũng được chị em Thu Lao khéo léo đưa vào trong đôi giày, tạo nên vẻ đẹp và sự độc đáo riêng biệt, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.

Cùng với bộ váy áo khăn đội đầu, đôi giày thổ cẩm đã tôn thêm nét đẹp độc đáo của trang phục truyền thống Thu Lao – Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường

Cùng với bộ váy áo khăn đội đầu, đôi giày thổ cẩm đã tôn thêm nét đẹp độc đáo của trang phục truyền thống Thu Lao – Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường

Trước đây, vào lúc nông nhàn sau thu hoạch lúa vụ mùa, sau khi thu hái bông và dệt vải xong, chị Hồ Si Vín tranh thủ làm giày, may quần áo cho cả gia đình chuẩn bị đón tết cổ truyền. Nhưng nay, vì đam mê yêu thích làm giày thổ cẩm nên giờ đây chị Vín làm giày quanh năm, không chỉ để dùng mà còn để bán cho khách hàng trong bản, cũng như nhiều nơi đặt mua. Giá một đôi giày phụ thuộc vào mức độ cầu kỳ trên đôi giày, hoa văn thêu và các phụ kiện đính kèm… Thường thì những đôi giày thổ cẩm thêu hoa văn đơn giản, ít đính phụ kiện có giá 300 nghìn đồng đến 500.000 đồng; còn những đôi khách hàng đặt làm, cầu kỳ có giá từ 1 triệu đồng trở lên.

Ở thôn Thải Giàng Sán còn khoảng chục phụ nữ biết khâu giày đẹp, còn hầu hết những phụ nữ Thu Lao khác tuy có biết về kỹ thuật làm giày nhưng ít làm nên cũng không thạo và cũng không tự làm mà thường đặt mua về để dùng.

Để bảo tồn văn hóa và các giá trị truyền thống trong cộng đồng người Thu Lao ở vùng cao huyện Mường Khương, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang vận động bà con bảo tồn nghề làm giày vì đó không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển thành làng nghề, trở thành nơi trải nghiệm cho khách du lịch tìm hiểu văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế tuwg chính nghề này.

Với một vùng cao giàu bản sắc văn hóa như Mường Khương, rất cần những làng nghề truyền thống bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc thiểu số như làng Thải Giàng Sán của người Thu Lao ở Tả Gia Khâu. Trong đó, cần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của những nghề độc đáo như kỹ thuật làm giày thổ cẩm của họ….

Nguồn:https://baochinhphu.vn/gin-giu-net-van-hoa-tu-nghe-lam-giay-tho-cam-cua-nguoi-thu-lao-102230718150846067.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/597945-gin-giu-net-van-hoa-tu-nghe-lam-giay-tho-cam-cua-nguoi-thu-lao.html