Gìn giữ và phát huy nét đẹp của lễ hội truyền thống

Với khoảng 8.000 lễ hội được tổ chức trải dài khắp đất nước, lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, mà còn thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Lễ hội đền Trần Thái Bình đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Lễ hội đền Trần Thái Bình đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Tuy nhiên, công tác tổ chức và ý thức tham gia lễ hội vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần được quan tâm. Việc gìn giữ và phát huy nét đẹp lễ hội một cách văn minh, bền vững không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự chung tay của mỗi người dân.

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó hơn 7.000 lễ hội truyền thống. Các địa phương tổ chức hầu hết lễ hội, từ cấp quốc gia đến quy mô làng xã một cách trang trọng, linh thiêng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các vị anh hùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sáng 3/2 (mồng 6 tháng Giêng), lễ hội chùa Hương (một trong những lễ hội lớn nhất cả nước) đã chính thức khai mạc. Ngay trong ngày đầu khai hội, hàng nghìn người dân, du khách đã đến tham quan, chiêm bái, lễ Phật.

Nhiều du khách có chung nhận xét, năm nay, khu vực bến Yến không còn cảnh tượng chen lấn, chèo kéo; các xuồng, đò xếp ngay ngắn theo thứ tự đón, trả khách. Trên đò được trang bị ô che nắng, nước uống miễn phí, sọt đựng rác. Ban tổ chức đã tích hợp vé điện tử thắng cảnh và xuồng, đò cho nên rất thuận tiện cho du khách.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, mùa lễ hội chùa Hương năm nay sẽ có từ 3.800-4.500 phương tiện xuồng, đò vận chuyển khách, được trang bị đầy đủ các dụng cụ như: Ghế ngồi, giỏ đựng rác, áo phao, vật nổi, ô che mưa, che nắng. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn bố trí, lắp đặt hệ thống kiểm soát vé bằng công nghệ, trang trí hệ thống điện chiếu sáng, camera, wifi tại các bến đò kiểm soát.

Tại xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Ban tổ chức lễ hội đền Trần đã chuẩn bị chu đáo. Theo đó, lễ hội đền Trần sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 10-14/2, tức ngày 13-17 tháng Giêng) tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần.

Lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh, với các nghi lễ truyền thống, như: Lễ tế mở cửa đền, lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần, lễ rước nước, khai mạc và lễ bái yết. Phần hội bao gồm các hoạt động, như:

Thi gói bánh chưng, thi pháo đất, thi cỗ cá, ngày thơ Việt Nam, thi têm trầu cánh phượng, thi vật cầu, giao lưu các câu lạc bộ chèo, thi kéo lửa nấu cơm cần, thi kéo co, liên hoan hát văn. Ban tổ chức cũng bố trí lực lượng, phương tiện y tế thường trực cấp cứu, tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời yêu cầu các nhà hàng, cơ sở lưu trú xây dựng giá cả phù hợp, niêm yết công khai, hỗ trợ du khách, kết hợp nâng cao chất lượng phục vụ…

Ngoài lễ hội chùa Hương và đền Trần (Thái Bình), cả nước còn rất nhiều lễ hội lớn khác, thu hút rất đông du khách, như: Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)… Mỗi lễ hội mang một màu sắc riêng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng của dân tộc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước. Nhiều lễ hội có chuyển biến tích cực, loại bỏ mê tín dị đoan, cờ bạc, phát hành ấn phẩm trái phép. Công tác xã hội hóa góp phần bảo tồn di tích, phong tục truyền thống và phục vụ cộng đồng.

Phần lễ diễn ra trang trọng, linh thiêng, phần hội phong phú, hấp dẫn, chọn lọc những nét đẹp văn hóa dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ. Các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống thể hiện tinh thần hướng về nguồn cội, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, không những giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mà còn là cơ hội để cộng đồng gắn kết với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị truyền thống được bảo tồn, một số lễ hội vẫn còn bất cập, làm giảm ý nghĩa văn hóa vốn có. Một số địa phương chi tiêu lãng phí vào các hạng mục không cần thiết, như: Dựng cổng chào hoành tráng, trang trí cầu kỳ, tổ chức quá nhiều nghi thức tốn kém, nhưng không mang lại giá trị thật sự.

Dư luận vẫn bức xúc về tình trạng thương mại hóa lễ hội. Nhiều nơi tận dụng để kinh doanh, hàng quán mọc lên san sát, lấn át cả không gian tâm linh, dịch vụ bán đồ lễ với giá cao, thậm chí có cả dịch vụ “khấn thuê”, “đặt lễ thuê”.

Nhiều lễ hội lớn thu hút hàng triệu lượt du khách nhưng công tác tổ chức và quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, chen lấn, lộn xộn. Dù Ban tổ chức đã thông báo phát lộc, ấn miễn phí nhưng hiện tượng bán ấn, bán bùa cầu may, cầu tài lộc vẫn xảy ra.

Ở nhiều lễ hội, giá cả dịch vụ, như:Phí trông giữ xe, ăn uống, vé vào cổng vẫn tăng cao hơn nhiều so với ngày thường. Mặc dù chính quyền địa phương đã quy định về niêm yết giá, nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn lợi dụng lượng khách đông để tăng giá tùy tiện. Nhiều nơi vẫn có các hoạt động: Bói toán, cờ bạc, tổ chức hội chợ, gameshow, kinh doanh ca nhạc, bán hàng rong chèo kéo khách,... khiến không gian lễ hội trở nên lộn xộn, làm giảm tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có.

Bên cạnh đó, ý thức của một số người dân khi tham gia lễ hội cũng còn hạn chế, như: Đặt tiền công đức tùy tiện, chen lấn, xô đẩy, tranh giành hoa và tiền lộc, thậm chí xảy ra ẩu đả.

Sau lễ hội, tình trạng rác thải tràn ngập vẫn là một vấn đề nhức nhối. Nhiều du khách vứt rác bừa bãi, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường ngay tại những nơi linh thiêng. Tình trạng đốt vàng mã cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, lượng giấy tiền vàng mã người dân đốt tại các lễ hội lên đến hàng trăm tấn, gây ô nhiễm không khí và lãng phí lớn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều quy định về tổ chức lễ hội, trong đó có Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, tuy nhiên hiệu quả thực thi vẫn chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chế tài xử lý chưa đủ mạnh, lực lượng thanh tra còn mỏng và công tác kiểm tra đôi khi mang tính hình thức. Để quản lý lễ hội một cách hiệu quả, cần áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Lễ hội không chỉ là một hoạt động văn hóa mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Tuy nhiên, để giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội, cần có sự chung tay của cả chính quyền và người dân. Mỗi hành động văn minh, mỗi quyết định quản lý sáng suốt sẽ góp phần đưa lễ hội trở về đúng giá trị thiêng liêng và vẻ đẹp truyền thống.

THƯ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gin-giu-va-phat-huy-net-dep-cua-le-hoi-truyen-thong-post859297.html