Một lần thăm chốt tiền tiêu

Đích đến của chúng tôi là chốt dân quân xã Mỹ Bình (Huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) nơi có những người trẻ giàu lý tưởng, khát vọng xây dựng quê hương vẫn ngày đêm vững tay súng gìn giữ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Lần đầu đến huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) thăm chiến khu Bình Thành tôi cảm thấy choáng ngợp bởi không gian lớn của những “cánh đồng chó ngáp”, những con kênh dài hút tầm mắt. Đường bám bờ kênh, lúc bám bên này, lúc bám bên kia chẳng ra quy luật gì. Chả trách đồng chí phóng viên Báo Long An trước lúc chúng tôi khởi hành căn dặn không được đi theo Google map. Ô hay, không đi theo Google map thì đi theo cái gì? Anh ta đáp đầy ẩn ý: “Theo đường ở mồm nghen mấy ba”.

Cái hay của việc đi nhầm đường là ta thường được giao tiếp với dân địa phương. Người dân ở dây hiền hòa, nụ cười đầy khóe mắt. Hỏi ra mới hay, mới năm trước đi lên Đức Huệ người ta còn đi bằng ghe, mấy con kênh này là tuyến giao thông chính. Gần đây chủ trương của tỉnh là “lộ thông, tài thông”, cả hệ thống chính trị vào cuộc làm đường, người dân hồ hởi hưởng ứng.

Trung đội dân quân cùng các đoàn thể làm đường hoa biên giới.

Trung đội dân quân cùng các đoàn thể làm đường hoa biên giới.

Đọc lịch sử mới hiểu không phải ngẫu nhiên mà giao thông xứ này rối rắm. Con đường chúng tôi đi lên huyện Đức Huệ, cũng chính là con đường năm xưa các cô các bác tập kết về Căn cứ Bình Thành, một “cứ điểm cứng” của vùng Miền Đông Nam Bộ. Căn cứ này “dễ thủ, khó công” và cũng rất thuận tiện rút lui khi tháo chạy, hướng bắc về Tây Ninh, hướng tây sang Campuchia, hướng nam là Đồng Tháp Mười rộng lớn.

Vừa đi đường tôi vừa lẩm nhẩm đọc lại bài “Bà má Hậu Giang” của nhà thơ Tố Hữu, ước ao một lần nằm trong túp lều cỏ giữa đồng kia trải nghiệm cảm giác nằm bưng biền chờ giết địch. Một niềm xúc động dâng lên, bất giác tôi muốn chắp tay khấn vái vong linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này để bày tỏ lòng thành kính vô hạn. Vùng đất này trong kháng chiến được người dân mến mộ tặng bốn chữ: “Trung dũng kiên cường”, để đối với bốn chữ “Thành đồng Tổ quốc” của đất Củ Chi. Củ Chi giờ đã trở thành khu du lịch lịch sử cách mạng thu hút hàng triệu lượt khách ghé thăm. Đức Huệ dường mới thoát nghèo….

Ban chỉ huy trung đội thăm hỏi gia đình neo đơn.

Ban chỉ huy trung đội thăm hỏi gia đình neo đơn.

Mang theo tâm tình khá phức tạp đó, nên khi nghe đồng chí Hồ Minh Phương, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Đức Huệ giới thiệu lên “chốt tiền tiêu” của dân quân xã Mỹ Bình, tôi rất phấn khởi, coi đây là một trải nghiệm xứng đáng của chuyến đi xa. Chúng tôi theo chân chị Huỳnh Thị Thái Lan, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bình, cũng là Bí thư của Chi bộ dân quân, trực chỉ hướng tây của thị trấn Đông Thành chừng hơn 20km. Sát đường tuần tra biên giới thì không còn đường nhựa, đường bê tông cũng chỉ rộng vừa 1 chiếc xe ô tô đi.

Chị Lan kể rằng hệ thống đường này cũng là mới làm mấy năm gần đây thôi. Trước đó vùng này “đất trắng”, bởi không điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc và rất vắng bóng người. Biên giới trước mặt, đó là một trảng trống kéo dài hàng chục cây số. Mùa này, nước nổi, người dân có thể luồn lách đi qua các vũng nước bằng thuyền tam bản. Vừa đi vừa phải tránh mấy con trâu đang đầm mình trệu trạo nhai lại thứ cỏ sũng nước đã ngả vàng.

Chúng tôi không ghé vào trụ sở xã, bởi chị Lan cho biết giờ này cán bộ cũng đi “bám dân” hết rồi. Vậy là cả xe lên thẳng chốt tiền tiêu của Trung đội dân quân xã. Trụ sở Trung đội dân quân nằm giữa vùng trang trại xanh um của các hộ dân sinh sống sát biên giới. Kiến trúc nhà dân ở đây đồng dạng một kiểu hướng mặt về phía biên giới, xây kiểu nhà ống trước cao sau thấp. Nhà nào cũng được trang bị bể nước hợp tiêu chuẩn vệ sinh nông thôn ở phía sau, sân vườn thoáng sạch, cho thấy sự cần cù và kỹ tính của gia chủ. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Sớm sau phút vui mừng chào đón đoàn công tác liền giải thích: Người dân quanh vùng đều duy trì nền nếp sinh hoạt theo bộ đội. Không ai bắt họ phải vậy cả, chỉ là mọi người thấy dân quân sinh hoạt có nền nếp, tác phong chuẩn mực, mọi người thấy thích nên tự giác làm theo. Tôi ngắm nhìn kiến trúc 2 tầng của chốt dân quân, mô hình khá giống doanh trại quân đội song có lẽ ở mức độ nhỏ hơn, vậy nhưng cũng đủ đầy cho sinh hoạt, bảo đảm tính linh hoạt trong sẵn sàng chiến đấu.

Đồng chí Sớm cho biết: Đơn vị thực hiện theo Điều lệnh quản lý bộ đội, duy trì quân số thường xuyên có mặt là 100%, trừ trường hợp cắt phép, nghỉ phép theo chế độ. Như vậy đơn vị thực hiện nền nếp chính quy không khác bộ đội chính quy, thực tế này làm thay đổi cách nhìn của nhiều người về lực lượng dân quân, du kích.

Một buổi chào cờ của Trung đội dân quân xã Mỹ Bình.

Một buổi chào cờ của Trung đội dân quân xã Mỹ Bình.

Trung đội dân quân xã hiện có 12 đảng viên, được các đồng chí lãnh đạo huyện gọi vui là “lò đào tạo cán bộ”. Thật vậy, xã Mỹ Bình thành lập năm 2003, trên cơ sở mấy ấp nghèo nhất của các xã Bình Thành và Bình Hòa Hưng. Đất ở đây nhiễm phèn rất nặng, mùa khô cỏ lác cũng không sống được. Quanh xã loang lổ vũng, đìa nhưng cũng chỉ có cá cờ sống được. Sự nghèo khó thể hiện trên mâm cơm với hai món mắm cá cờ và rong nước ngọt. Mấy năm trước, tỉnh và huyện có chủ trương khuyến khích dân đến xã Mỹ Bình lập nghiệp, cấp ruộng, cấp vườn, xây nhà kiên cố, song 10 người thì chỉ trụ được 1. Người địa phương cũng chọn bỏ xứ đi làm ăn xa, thiếu cán bộ trầm trọng.

Vận động tuyên truyền riết, cuối cùng cũng có người chịu ở, và một trong những người đó là chị Huỳnh Thị Thái Lan, giờ đã là Bí thư Đảng ủy xã. Lứa kế cận là những thanh niên trong trung đội dân quân xã này đây. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Sớm nhập ngũ năm 2004 tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, 2006 xuất ngũ, đến năm 2010 ra công tác tại xã Bình Mỹ. Nguyễn Văn Sớm là đảng viên giàu lý tưởng, khát vọng xây dựng quê hương. Anh tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ ấp, được Chi bộ giao nhiệm vụ tham gia chỉ huy đội dân quân xã.

Nhớ lại những ngày mới tham gia giữ chốt tiền tiêu này, Nguyễn Văn Sớm không khỏi bồi hồi nhớ lại: “Chốt thời đó chỉ là một dãy nhà cấp 4, trang thiết bị thiếu thốn đủ bề, trước mặt là biên giới, sau lưng là ruộng hoang. Hằng đêm nghe tiếng ếch nhái, côn trùng kêu rả ích trong ánh đèn tù mù, nhiều anh em tuổi đời còn trẻ tỏ ra chán nản. Tôi tâm sự, động viên, xác định với nhau đứng gác ở đây là vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc...”.

Với kinh nghiệm từ thời gian phục vụ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, lại là người anh lớn của điểm chốt, Nguyễn Văn Sớm thuyết phục và cuốn hút mọi người tham gia hoạt động của đơn vị. Đầu tiên là xây dựng cảnh quan môi trường, cải tạo cơ sở vật chất, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống vật chất và tinh thần dân quân. Tiếp đến là tạo không khí dân chủ, cởi mở và đoàn kết trong đơn vị, để dân quân nói ra những vướng mắc trong lòng, từ đó cộng đồng trách nhiệm cùng nhau giải quyết. Đến những năm gần đây, khi đường tuần tra biên giới đã được bê tông hóa, người dân về ở đông thì chốt tiền tiêu của xã Mỹ Bình đã có một khuôn viên chính quy. Nhận thức của các lớp dân quân trẻ cũng được nâng cao nên việc thực hiện nhiệm vụ đã trở thành nền nếp, chính quy không khác bộ đội chủ lực.

Trên chốt dân quân xã Mỹ Bình, Đức Huệ, Long An.

Trên chốt dân quân xã Mỹ Bình, Đức Huệ, Long An.

Năm vừa rồi, Chi bộ dân quân xã phát triển được 2 đảng viên, trong đó có đồng chí Trần Nguyễn Quốc Khánh được cử đi học lớp đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn. Bí thư Huỳnh Thị Thái Lan cho biết: Phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng là nguyện vọng của hầu hết dân quân trong trung đội. Nên biết rằng những quần chúng tham gia lực lượng dân quân xã đều là những người có tâm huyết, khát vọng xây dựng quê hương. Nhiều người từng đi làm ăn xa có thu nhập khá, nhưng khi được vận động, tuyên truyền đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với quê hương, đã tự nguyện trở về gia nhập trung đội dân quân xã.

Một góc thành phố Tân An, Long An.

Một góc thành phố Tân An, Long An.

Về thu nhập, dân quân thường trực chỉ có các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền ăn hằng ngày, chi tiêu tằn tiện một tháng để ra không quá 2 triệu đồng. Nhiệm vụ, trọng trách thì rất nặng nề, như mùa nước nổi này, lực lượng dân quân thường được điều động ra đắp đê chống nước. Ở xã Mỹ Bình có mô hình chốt dân quân gắn với hộ dân biên giới, việc giúp dân vừa là trách nhiệm nhưng cũng là nhiệm vụ. Chốt dân quân xã Mỹ Bình hiện duy trì một thửa ruộng rộng 3 ha và một vườn ươm cây giống phục vụ hoạt động nông nghiệp và làm đẹp các tuyến đường nông thôn mới. Năm nay, đơn vị đã vượt mọi chỉ tiêu về tăng gia sản xuất, thu về hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra những công tác xã hội như chăm sóc gia đình người có công, gia đình neo đơn, xây dựng cảnh quan đơn vị sáng, xanh, sạch, đẹp… đều được đơn vị duy trì nền nếp và kỷ luật.

Đông Lê

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/mot-lan-tham-chot-tien-tieu-i758708/