'Gìn vàng giữ ngọc'

'Cao Văn Lầu xuất thân là một tay đàn ở vùng quê hẻo lánh, học hành không đến nơi, đến chốn nhưng tầm vóc tác phẩm của ông có thể đo bằng chiều dài hàng trăm năm. Điều đó không có gì lạ, bởi nhạc sĩ tài hoa này sáng tác không chỉ bằng khối óc mà còn bằng trái tim rỉ máu'. Nhà văn Phan Trung Nghĩa, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đã viết như vậy trong bài 'Chiếc áo rách của Sáu Lầu'.

Trải qua bao thăng trầm, mãi làm thổn thức người nghe từ giá trị nghệ thuật và nội dung hàm chứa chính là đứa con tinh thần độc đáo mà cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã tạo ra. Dạ cổ hoài lang đã được “gìn vàng giữ ngọc” hơn trăm năm qua như một viên ngọc thực thụ, cứ lấp lánh đẹp và tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam...

Nhạc lòng trải suốt trăm năm

Không biết Dạ cổ hoài lang đã “thấm” vào tôi tự lúc nào, chỉ biết rằng câu hát “Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng”, tôi thường nghe mẹ hát ru em ngủ hồi tôi lên 5, lên 7 gì đó, đã rất quen tai. Năm học lớp 10, chúng tôi được giáo viên phụ trách môn Lịch sử dẫn đến khu mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Hồi ấy (những năm 1995-1996), nơi này đúng nghĩa chỉ là khu mộ chí của cố nhạc sĩ và vợ ông. Thầy giáo hướng dẫn chúng tôi trịnh trọng thắp hương rồi ngồi xuống nghe thầy kể chuyện người nhạc sĩ tài hoa vì định kiến khắt khe thời phong kiến “tam niên vô tự bất thành thê” mà phải én nhạn lìa nhau, người vợ trẻ bị trả về nhà cha mẹ ruột.

Nghệ sĩ ưu tú Như Huỳnh (Nhà hát Cao Văn Lầu) trong một tiết mục biểu diễn tại lễ giỗ tổ sân khấu Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu

Nghệ sĩ ưu tú Như Huỳnh (Nhà hát Cao Văn Lầu) trong một tiết mục biểu diễn tại lễ giỗ tổ sân khấu Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu

Lớn lên, được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu khác nhau, tôi biết thêm, thông điệp Dạ cổ hoài lang còn chuyển tải nỗi lòng của người vợ trông chồng nơi biên ải xa xôi, nỗi niềm chung - riêng đã chắp cánh cho khúc nhạc ra đời. Nói về nội dung này, trong tập 10 chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” - chương trình thực tế rất “hot” phát trên VTV3, bài Dạ cổ hoài lang được đội Mứt Gừng chọn biểu diễn đã làm rung lên những cảm xúc nghẹn ngào trên sân khấu tráng lệ qua câu hát “Từ là từ phu tướng...”, với tiếng nấc nghẹn ngào của người chinh phụ ngóng trông tin chồng nơi biên ải xa xăm và quặn đau với những hy sinh thời binh loạn!

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản Dạ cổ hoài lang bất hủ, sức sống bền bỉ, phát triển lên những cung bậc tuyệt vời nên luôn là lực hấp dẫn khiến các nhà nghiên cứu, nhà văn tìm tòi, phân tích để tiếp tục làm rõ nguyên cớ nào mà một người nông dân (chứ không phải nhà nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp) sáng tác nên một nhạc phẩm “vụt sáng trên bầu trời âm nhạc” (theo cách nói của cố GS.TS Trần Văn Khê). Tìm hiểu thì người ta mới hay, cuộc đời nhạc sĩ Cao Văn Lầu cứ như một tấn tuồng mà bi kịch đã chiếm lĩnh gần trọn nửa phần đời trước của ông! Hai mối tình của ông đều đổ vỡ. Một là mối tình với cô Hai Sang, con gái của thầy Nhạc Khị, sau đó là tình yêu thắm thiết với một nữ danh ca ở Bạc Liêu thời bấy giờ, cô Ba Vàm Lẽo. Cả hai mối tình đều không thành, mối tình sau còn kết thúc đầy bi ai khi cô Ba Vàm Lẽo bị sát hại dã man. Đã mang nỗi niềm riêng đầy u uất rồi khi cưới người vợ chính thức lại tiếp tục bị chia lìa do 3 năm không sinh được con... Những sầu đau ứ đọng trong trái tim người nhạc sĩ, cùng với khối óc tài hoa mà Dạ cổ hoài lang được chắp nhặt thành...

Vương mang những tâm tư, sầu muộn của riêng tư, của thời thế, khúc hát lại ra đời trên vùng đất tuy nghèo mà giàu “vốn” anh tài. Tề tựu, gặp gỡ trên hành trình xuyên thế kỷ, những bậc tiền bối tài hoa đã làm cho khúc nhạc lòng trăm năm ngày càng phát triển lên tầm cao mới. Dạ cổ hoài lang từ thâm trầm bao nỗi niềm trong đêm trường quạnh quẽ với đờn cò, song lang, trong mỗi đám tiệc ở vùng quê heo hút nào đó, sau này được cách tân trong thanh nhạc Tây phương (cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng làm công việc này để đưa Dạ cổ hoài lang từ cổ nhạc sang tân nhạc, rồi đưa Dạ cổ hoài lang từ Việt Nam ra quốc tế với việc dịch thành 3 thứ tiếng Trung, Anh và Pháp). Hay khi trở thành “bài ca vua” trên sân khấu cải lương thì vẻ đẹp buồn man mác trong Dạ cổ hoài lang vẫn giữ nguyên vẹn và có sức hút diệu kỳ.

Lưu truyền “viên ngọc sáng”

Tinh túy của Dạ cổ hoài lang như viên ngọc sáng được Bạc Liêu trân trọng, nâng niu gìn giữ. Nhạc lòng Dạ cổ hoài lang hơn 100 năm nay (tính từ năm ra đời 1919) qua bao khối óc tài hoa và trái tim đa cảm, như viên ngọc càng mài càng sáng. Dạ cổ hoài lang từ 20 câu nhịp 2 đến vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 để trở thành “bài ca vua” trên sân khấu cải lương.

Dạ cổ hoài lang trên sân khấu hoành tráng, được đầu tư cảnh trí, đạo cụ hiện đại như trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và rất nhiều chương trình âm nhạc khác, vẫn đọng lại trong lòng khán giả sâu lắng hơn cả là âm vang của nhịp phách và lời ca đầy truyền cảm mà người cha đẻ - cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu khi sáng tác chắc hẳn đã suy tư, trầm ngâm trong cô quạnh để viết nên. Chúng ta tôn vinh giá trị bài ca và hành trình “gìn vàng giữ ngọc” bằng những cách thức khác nhau, nhưng chính bản chất của khúc nhạc mới là ngọc, là vàng, bản thân đã sáng, đã đầy chân giá trị, càng mài càng sáng!

Góp công làm sáng “viên ngọc” Dạ cổ hoài lang để bài ca sống mãnh liệt, “đơm hoa kết trái” xuyên thế kỷ phải nhắc đến những bậc tài hoa như: Lư Hòa Nghĩa - người mở đầu kỷ nguyên vọng cổ, Trần Tấn Hưng - người khai sinh 6 câu vọng cổ nhịp 32, Trịnh Thiên Tư - nhà nghiên cứu cổ nhạc lão thành (tác giả sách Ca nhạc cổ điển), Mộng Vân - soạn giả có nhiều kịch bản cải lương nhất, Ba Chột - một kỳ tài với nhiều sáng tác được sử dụng rộng rãi trong giới đờn ca tài tử và cải lương từ xưa đến nay, Lý Khi - người biên soạn bản vọng cổ nhịp 64, Hai Thơm - “vua vĩ cầm” trong làng cổ nhạc…

Trải qua 50 mùa xuân thanh bình, đắm trong những tươi đẹp, rạng rỡ của hôm nay, chúng ta không thể quên những hy sinh, cống hiến hôm qua. Vì vậy, người của hôm nay vẫn hướng lòng tri ân quá khứ mỗi khi lịch sử giở lại những trang vẻ vang tô thắm truyền thống hào hùng của đất nước mình. Và Dạ cổ hoài lang, trong nguyên tác nhịp đôi 20 câu hay trong từng lời ca vọng cổ ngọt lịm trên sân khấu cải lương..., ở “chiếc áo” nào cũng đủ khả năng chuyển tải những xúc cảm thiêng liêng đó! Những xúc cảm đong đầy từ hàng ghế khán giả khi Dạ cổ hoài lang bất chợt xuất hiện (như trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”) đủ chứng minh điều đó! 50 năm non sông nối liền một dải, sau ngày “én nhạn hiệp đôi” vui khúc sum vầy, “bài ca vua” của sân khấu cải lương vẫn nhập cuộc được với thời đại mới bằng chính những giá trị bất hủ vốn có.

Cẩm Thúy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168886/gin-vang-giu-ngoc