Giới trẻ Hà Nội sáng tạo khi lồng ghép văn hóa truyền thống vào tổ chức sự kiện

Để kết thúc học phần Giải trí sự kiện và Bản sắc văn hóa dân tộc, nhóm các sinh viên chuyên ngành Quản lý giải trí và sự kiện (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức chuỗi các sự kiện kéo dài trong suốt tháng 6, nhằm giúp văn hóa truyền thống hiện diện nhiều hơn trong đời sống công chúng Thủ đô.

Các sinh viên cũng không giới hạn sự khám phá, thể nghiệm của mình trong phạm vi văn hóa của một vùng miền, hay một tộc người nào. Sự kiện Họa sắc sơn (16.6) hay H'Mông phong vân hội (21.6) đưa khán giả Thủ đô ngược lên miền núi phía Bắc để trải nghiệm nét đẹp văn hóa của các tộc người thiểu số ở nơi đây, rồi lại đưa khán giả trở về với đồng bằng Bắc bộ để lắng đọng với những câu hát xẩm thân thương trong Say xẩm (15.6). Rồi khán giả lại được mãn nhãn với những bộ khăn chầu áo ngự sặc sỡ sắc màu trong Gấm hầu (8.6) hay với bữa yến tiệc với nhiều món cao lương mỹ vị trong Ngự yến (17.6), và rồi mãn nhĩ với những tiết mục hòa tấu giữa các nhạc cụ trong Bầu show – Độc cầm thanh âm (20.6).

Đàn bầu hòa âm cùng với tiếng hát chèo. Ảnh: BTC

Đàn bầu hòa âm cùng với tiếng hát chèo. Ảnh: BTC

Là thành viên ban tổ chức H'Mông phong vân hội, Lê Thiên Đạt cho biết khó khăn khi tìm hiểu và tổ chức sự kiện văn hóa, đặc biệt liên quan tới dân tộc thiểu số, là nếu để xảy ra chi tiết sai sót, không đúng với bản chất văn hóa thực, dễ gặp phải ý kiến trái chiều từ cộng đồng sở hữu, thụ hưởng văn hóa đó. Để khắc phục, ban tổ chức đã tham khảo ý kiến từ những bạn bè người dân tộc thiểu số, trong đó có những người H'Mông sống ở Hà Nội, như nghệ sỹ My Li Cường, Sùng Say,…

Cũng như các đồng môn trong ban tổ chức, Lê Thiên Đạt tâm niệm: “Muốn đưa những giá trị văn hóa tới gần hơn với công chúng, thì trước tiên người tổ chức sự kiện phải hiểu đúng, hiểu rõ về những nét văn hóa mình muốn truyền tải. Bởi có hiểu đúng, mới truyền tải đúng, để giúp cho khán giả trân trọng và thôi thúc họ mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa”.

Là người trực tiếp tham gia giảng dạy, TS. Lư Thị Thanh Lê rất vui khi chứng kiến sự kiện do các học trò của mình thực hiện thu hút được đông đảo khán giả tới tham dự. Đây cũng là học phần độc đáo được Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật nghiên cứu kỹ lưỡng và tiên phong đưa vào chương trình giảng dạy. “Trong xây dựng chương trình, nhà trường rất quan tâm đến sự hiểu biết, tiếp thu của các sinh viên đối với văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Đây là điều quan trọng đối với những người tạo ra các sự kiện văn hóa”, TS. Lê chi sẻ.

Nước ta ngày càng đón nhiều nghệ sỹ quốc tế tới biểu diễn, cũng như tổ chức được nhiều sự kiện có quy mô quốc tế, việc lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống vào trong công tác tổ chức sự kiện là đáng hoan nghênh. Điều này góp phần xây dựng một hình ảnh Việt Nam năng động khi luôn hội nhập với những giá trị văn hóa mới, song vẫn đầy kiêu hãnh khi gìn giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Đoan Túc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gioi-tre-ha-noi-sang-tao-khi-long-ghep-van-hoa-truyen-thong-vao-to-chuc-su-kien-44195.html