Giống chất lượng cao - yếu tố quyết định năng suất vụ mùa

Xác định sử dụng giống cây trồng chất lượng cao là một yếu tố then chốt để nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, từ kết quả của nhiều vụ mùa trước, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ người dân tiếp tục đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất.

HTX Dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh (xã Xuân Lập) sản xuất mạ khay phục vụ sản xuất vụ mùa.

HTX Dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh (xã Xuân Lập) sản xuất mạ khay phục vụ sản xuất vụ mùa.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tại xã Thiệu Trung, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Viên đã đưa vào sản xuất giống lúa Nhật - Japonica (J02) theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là 1 trong 10 bộ giống có chất lượng tốt nhất hiện nay với nhiều ưu điểm nổi trội như: Cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, chịu rét, khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh và kháng bạc lá tốt, nhất là vào vụ mùa. Cùng với đó, HTX đã ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến, cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để người dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Chị Nguyễn Thị Tươi, người dân tham gia sản xuất cho biết: “Trong quá trình canh tác, chúng tôi được HTX hướng dẫn, hỗ trợ tiếp cận với những kỹ thuật trồng và chăm sóc hiện đại, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và môi trường. Toàn bộ quy trình sản xuất được HTX kiểm soát chặt chẽ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, cùng với quy trình đóng gói, bảo quản sau thu hoạch. Tuy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,3 lần so với giống lúa cũ”. Được biết, bên cạnh giống lúa J02, xã đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân chú trọng tăng tỷ lệ lúa chất lượng cao, chủ yếu bằng các giống ngắn ngày, kháng bệnh bạc lá như: Đài Thơm 8, TBR 97, Thiên Ưu 8... Bên cạnh đó, ưu tiên trồng các loại rau phù hợp trong khung thời vụ, có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Với sự phát triển của đàn gia súc, nhiều địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô hạt năng suất thấp sang trồng ngô sinh khối hoặc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi gia súc. Để cây ngô đạt chất lượng có thể lấy thân, lá, bắp để gia súc ăn trực tiếp hoặc ủ chua, viên nén... người dân thực hiện bón phân sớm, đủ lượng và cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là sâu keo mùa thu suốt giai đoạn phát triển. Với một số ưu điểm chung như sinh trưởng rất nhanh, ít nhiễm sâu bệnh, sức chống chịu tốt, năng suất cao và giàu dinh dưỡng... một số giống ngô sinh khối đã được người dân ưu tiên đưa vào gieo trồng, như: PSC747, VS36, DK6919, P4131, NK7328... Anh Trịnh Đăng Hợp, người dân xã Quý Lộc cho biết: “Giống ngô sinh khối SSC586 có thời gian sinh trưởng ngắn thường từ 25 đến 35 ngày, có thể trồng 3 đến 4 vụ/năm; cây to khỏe, thân cứng, ít sâu bệnh, thích ứng được với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân địa phương”.

Vụ thu mùa 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 152 ha. Xác định giống là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ cấu giống lúa chủ lực cho sản xuất vụ mùa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với trà lúa mùa sớm, tùy thuộc vào chân đất, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ dưới 105 ngày đến 125 ngày, như: TBR97, TBR87, TBR225, Bắc Thịnh, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, Hương Bình, Thanh Hương, ADI 28, Hạt Ngọc 9... Đối với trà lúa mùa chính vụ sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 135 ngày, như: BC15, ND502, Q5, VT404, Thái xuyên 111, Phúc Thái 168, Thụy Hương 308... và các loại lúa nếp: Nếp hương, Nếp Thơm 86, Nếp Cô tiên, Nếp 98... Đối với trà lúa mùa muộn, bố trí các giống có thời gian sinh trưởng từ 150 - 165 ngày, giống cảm ôn như: nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, nếp địa phương... Ngoài các giống chủ lực, căn cứ vào điều kiện sản xuất, các địa phương đã chỉ đạo người dân đưa vào sản xuất một số giống có triển vọng như: SMAT56, DT100... để làm tiền đề nhân rộng vào các vụ sản xuất tiếp theo. Bên cạnh đó, lựa chọn giống ngô có khả năng kháng sâu bệnh, như TRM189, VS36, CP511, NK4300...; giống ngô sinh khối như DK6919S, DK9919C, P4311, CP512...; các giống lạc TB25, TB29, L14... và các loại rau theo từng chân đất, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Để bảo đảm thắng lợi mục tiêu sản xuất vụ mùa 2025, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa và các loại cây trồng vụ thu mùa, phấn đấu gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch trong khung thời vụ. Nhất là, tập trung sản xuất trà lúa mùa sớm, mùa chính vụ trên chân đất trồng cây vụ đông; theo dõi sát diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra các đối tượng sâu bệnh để có phương án chủ động và sẵn sàng đối phó với các diễn biến bất thường của thời tiết.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giong-chat-luong-cao-yeu-to-quyet-dinh-nang-suat-vu-mua-253947.htm