'Giọt hồng nghĩa tình' chốn non cao

Nhiều người dân ở các huyện vùng cao của Khánh Hòa như Khánh Vĩnh, Khánh Sơn…đều coi việc hiến máu cứu người là 'giọt hồng nghĩa tình'.

Cho đi "giọt hồng" là hạnh phúc

Đã nhiều năm nay, cứ mỗi lần có đợt phát động của Hội Chữ thập đỏ hay chính quyền địa phương về hiến máu tình nguyện là chị Cao Thị Út cùng nhiều người dân thôn Suối Lách (Khánh Trung, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) lại hăng hái đi hiến máu.

Chị Út chia sẻ rằng: Người Raglai đều coi việc cho đi những "giọt hồng" của mình là niềm hạnh phúc. Bởi có thể góp vào ngân hàng máu, có thể cứu người…Cứ nghĩ đến đó là dù đang bận trên ruộng rẫy hay ở xa nhà mà nghe có đợt phát động hiến máu là chạy về đăng ký hiến máu ngay.

Bà Cao Thị Beng đã hơn 20 lần hiến máu và xem đó là nghĩa cử cho đi những "giọt hồng"

Bà Cao Thị Beng đã hơn 20 lần hiến máu và xem đó là nghĩa cử cho đi những "giọt hồng"

Không riêng gì chị Út, kéo dài qua nhiều thôn của xã Khánh Trung và các xã lân cận ở huyện vùng cao Khánh Vĩnh, người dân cũng hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng nhiều. Mỗi đợt phát động, người dân đều hưởng ứng nhiệt tình.

"Hiến máu cứu người là hạnh phúc" thông điệp ấy như thường trực trong tâm tưởng nhiều nông dân quanh năm cần mẫn với ruộng rẫy. Thế nên, từ những người như chị Út (có hơn 20 lần hiến máu) hàng loạt nông dân khác ở xã Khánh Trung cũng "mê" hiến máu như: Cao Phích và chị Cao Thị Ghịn cũng đã có hơn 10 lần hiến máu.

Ông Phích chia sẻ: Mình cứ tình nguyện cho đi thôi. Khi nào Hội chữ thập đỏ phát động là đi ngay. Hiến máu xong thấy trong lòng rộn ràng niềm vui vì cứ nghĩ rằng những "giọt hồng" của mình có ích cho người khác.

Nhiều người vùng cao khác ở Khánh Vĩnh cũng xem việc hiến máu là việc làm thường xuyên như anh Cao Văn Đức; chị Cao Thị Liễu.

Cũng là huyện vùng cao của Khánh Hòa, từ đợt phát động hiến máu tình nguyện năm ngoái ở huyện miền núi Khánh Sơn đã thu hút được đông đảo thanh niên, cán bộ và người dân tham gia góp phần bổ sung vào ngân hàng máu tại các bệnh viện. Những người hiến máu đều hiểu rõ đi hiến máu nghĩa là được nhận niềm hạnh phúc vì đã góp phần sẻ chia với người khác đang cần máu.

Lan tỏa tinh thần tình nguyện hiến máu để cho đi những "giọt hồng"

Một trong những nữ nông dân "mê" hiến máu và miệt mài khuyến khích người thân cùng tham gia ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa nữa là bà Cao Thị Beng. Bằng ánh mắt tràn đầy niềm hạnh phúc, Cao Thị Beng bộc bạch: Cái bụng mình thương cán bộ địa phương, thương người cần máu nên cứ có đợt phát động là đi hiến thôi. Đến nay đã hiến hơn 20 lần rồi. Lúc đầu mình dấu chồng đi hiến máu sau đó nói cho cả gia đình, dòng họ cùng hiểu và giờ ai cũng sẵn sàng cho đi những "giọt hồng" của mình. Có hôm xuyên đêm các thôn vừa bàn chuyện kết nghĩa với nhau vừa nói chuyện hiến máu. Cứ mỗi lần hiến máu xong lại thấy hạnh phúc tràn đầy vì nghĩ rằng máu của mình sẽ được tiếp thêm cho người khác. Tinh thần phấn chấn, sức khỏe cũng như tốt hơn lên. Cứ nghĩ đến những người bị nạn cần truyền máu là rất vui.

Chị Cao Thị Hồng (bên trái) xem việc vận động, lan tỏa phong trào hiến máu là việc làm thiết thực

Chị Cao Thị Hồng (bên trái) xem việc vận động, lan tỏa phong trào hiến máu là việc làm thiết thực

Là một trong những người bền bỉ đi tuyên truyền, vận động người dân vùng cao hiến máu, bà Cao Thị Hồng (cán bộ Hội chữ thập đỏ xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh) bộc bạch: Càng vận động hiến máu được nhiều càng tốt. Phong trào hiến máu lan tỏa ngày càng rộng ở miền cao này. Sau nhiều năm làm chủ tịch Hội phụ nữ xã thì tôi mới chuyển sang làm Hội chữ thập đỏ nên đã thấu hiểu người dân nơi đây. Trước kia cũng có ít người hiểu chưa rõ về hiến máu. Thế là mình phải giải thích cho họ hiểu. Hiến máu, hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp, sẻ chia trong cuộc sống, không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều nơi cần bổ sung máu để cứu chữa cho bệnh nhân. Mỗi đợt phát động hiến máu đều đạt được số lượng theo yêu cầu và kế hoạch đề ra. Riêng tại xã Khánh Trung trung bình mỗi đợt phát động hiến máu có 100 đến 150 người dân sôi nổi tham gia.

Cũng như nhiều người dân ở Khánh Vĩnh, đông đảo người dân Khánh Sơn đã thấu hiểu về nghĩa cử cao đẹp của việc cho đi những "giọt hồng" của mình.

Đông Hưng-H.L

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//giot-hong-nghia-tinh-chon-non-cao-169220304164902446.htm