Giữ đàn thú quý ở Sa Mù
Nhắc đến Sa Mù (huyện Hướng Hóa) nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến cảnh núi rừng hùng vĩ bốn mùa đắm mình trong sương mờ với vô vàn kỳ hoa dị thảo. Ít ai biết rằng đây còn là 'ngôi nhà' của nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm không những có trong Sách đỏ Việt Nam mà còn có cả trong Sách đỏ thế giới IUCN.
“Vương quốc” linh trưởng
Chẳng phải vì thế mà hơn 10 năm nay Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa được giao nhiệm vụ đóng chân, quản lý, bảo vệ tính đa dạng sinh học của vùng núi non hiểm trở này. Đây là khu bảo tồn đặc biệt, duy nhất trên cả nước bởi một lúc “ôm” lấy cả Đông và Tây dãy Trường Sơn với diện tích quản lý hơn 24.000 ha rừng thuộc địa bàn 5 xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Lập của huyện miền núi Hướng Hóa.
Rừng ở núi non Sa Mù còn nguyên sơ, độ che phủ lên đến 93% với sự hiện diện của 1.295 loài thực vật, trong đó có 156 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, cần ưu tiên bảo vệ. Riêng về khu hệ thú, căn cứ số liệu công bố vào năm 2019 cho thấy có đến 110 loài ĐVHD thuộc 30 họ, 10 bộ. Trong đó, có 38 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 33 loài trong Sách đỏ thế giới và 39 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Trụ sở của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa được xây dựng ở lưng chừng đèo Sa Mù. Mùa này, đặt chân lên đây có thể nghe được thanh âm của nhiều loài ĐVHD trong cùng một ngày. Ví như, tiếng gà rừng đua gáy vào ban mai, tiếng heo rừng đuổi nhau kêu cheng chéc độ non trưa, rồi tiếng mang tác, tiếng vượn hú gọi bầy từng hồi vẳng đến lúc chiều buông...
Trong các loài ĐVHD quần tụ tại vùng núi non Sa Mù, phải kể đến các loài thuộc bộ linh trưởng. Linh trưởng hiểu nôm na là các động vật có độ “tinh anh” cao hàng đầu trong số các động vật như vượn, khỉ, voọc... Mới đây, thông qua máy bẫy ảnh kỹ thuật số hiện đại, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã ghi nhận nhiều loài ĐVHD diện nguy cấp, quý hiếm thuộc bộ linh trưởng như vượn, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, voọc ngũ sắc, voọc gáy trắng, culi...
Đặc biệt, máy bẫy ảnh còn quay lại quá trình di chuyển, tìm kiếm thức ăn cực kỳ sinh động của ĐVHD trong rừng. Trong đó, có nhiều đàn khỉ mặt đỏ có trong Sách đỏ thế giới IUCN với số lượng lên đến hàng chục cá thể, thuộc nhiều thế hệ. Chúng nhởn nhơ di chuyển, kiếm ăn và đùa giỡn trong rừng. Nhiều con còn đến gần máy bẫy ảnh với những biểu hiện hết sức tò mò, ngộ nghĩnh.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu BTTN Bắc Hướng Hóa thông tin, trong lâm phần đơn vị quản lý có khoảng 15 đàn khỉ mặt đỏ với trên 150 cá thể sinh sống. Đây là loài động vật khá đặc trưng của núi rừng Bắc Hướng Hóa. Cư dân các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn... vẫn thường trình báo phát hiện nhiều đàn khỉ mặt đỏ khi vào rừng hái măng, nhặt củi. Riêng ở núi non Sa Mù, khu vực các đàn khỉ mặt đỏ sinh sống là các khu rừng kín thường xanh với độ cao từ 400 m đến trên 1.000 m so với mực nước biển. Không giống như các loài khỉ khác, chúng ít leo trèo và thường di chuyển dưới mặt đất với nguồn thức ăn chủ yếu là thảo quả, nõn lá và các loài côn trùng.
“Ngoài các loài thuộc bộ linh trưởng, vừa qua chúng tôi còn ghi nhận nhiều loài động vật thuộc nhóm IB, IIB (theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP) và nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới IUCN như: Gà lôi trắng, sơn dương, mang lớn, thỏ vằn cùng nhiều loài chim, chồn, cầy, lợn rừng. Có khoảng 25 loài ĐVHD đã được phát hiện trong một khu vực nhỏ thuộc lâm phần rộng lớn mà đơn vị này quản lý, bảo vệ”, ông Hoan nói.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị chia sẻ, bản thân rất ngỡ ngàng khi xem những hình ảnh về ĐVHD tại lâm phần Khu BTTN Bắc Hướng Hóa quản lý, đặc biệt là video quay cảnh đàn khỉ mặt đỏ đi kiếm ăn. Bà khẳng định đây là minh chứng cho thấy môi trường sống của ĐVHD được bảo vệ tốt, đa dạng sinh học trong rừng tăng cao. “Kết quả này là cơ sở để tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện tính đa dạng sinh học của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, từ đó làm cơ sở để quy hoạch, xây dựng khu bảo tồn này thành vườn quốc gia theo định hướng của tỉnh”, bà Phương nhận định.
Truy dấu bò tót, gà lôi lam mào trắng
Như đã nói ở trên, lâm phần của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có cả Đông và Tây dãy Trường Sơn với nền khí hậu nhiệt đới gió mùa Tây Trường Sơn. Nơi đây, mùa đông lạnh giá kéo dài, mùa khô chỉ diễn ra chưa đầy 5 tháng. Đây chính là nơi giao lưu của khu hệ động vật giữa Tây và Đông Trường Sơn, giữa Bắc và Nam Trường Sơn. Đặc trưng của hệ ĐVHD ở khu vực này được đánh giá còn tiềm ẩn nhiều bất ngờ khoa học, cần thêm thời gian để tiếp tục điều tra, nghiên cứu.
Anh Trần Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Khoa học kỹ thuật - Hợp tác quốc tế (Khu BTTN Bắc Hướng Hóa) cho biết, ngoài những loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm kể trên, trong lâm phần quản lý đã ghi nhận có sự di cư theo mùa của động vật, đặc biệt là các loài thú lớn như bò tót. Không những vậy, thông qua mô tả, trình báo của người dân địa phương thì có khả năng khu vực rừng bảo tồn giáp ranh huyện Đakrông vẫn còn sự hiện diện của gà lôi lam mào trắng - loài chim thuộc họ Trĩ tưởng chừng đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Đặc biệt, theo anh Hùng, các kết quả nghiên cứu trước đó cũng khẳng định ở Khu BTTN Bắc Hướng Hóa hiện còn một quần thể nhỏ Sao la - loài thú được mệnh danh là “kỳ lân Châu Á”, hoạt động ở khu vực giáp ranh huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Theo ông Hà Văn Hoan, bốn năm về trước, thông qua hoạt động bẫy ảnh của Trung tâm BTTN Việt, các chuyên gia đã ghi nhận một cá thể bò tót nặng trên 700 kg tại khu vực rừng bảo tồn Bắc Hướng Hóa giáp ranh với tỉnh Quảng Bình. Chỉ một thời gian sau, người dân thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, trình báo có một đàn bò “lạ” gồm 3 con xuất hiện trong rừng bảo tồn, gần biên giới nước Lào. Căn cứ những mô tả của người dân và dấu vết, mẫu phân để lại, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa bước đầu khẳng định đó chính là bò tót. Không những chỉ ở Cù Bai, tại khu vực núi Pa Thiên - Voi Mẹp (xã Hướng Linh), nơi cao 1.700 m so với mực nước biển cũng ghi nhận sự xuất hiện của loài động vật to lớn này.
“Chúng tôi xác định có ít nhất 2 quần thể bò tót đang sinh sống tại núi Pa Thiên - Voi Mẹp và khu vực rừng bảo tồn thuộc địa bàn thôn Cù Bai. Qua theo dõi, có một quần thể bò tót gồm 3 cá thể thường xuyên xuất hiện, trong đó có một bò tót con. Điều này chứng tỏ một điều rằng, bò tót đã ở lại và sinh trưởng trong rừng bảo tồn. Tuy vậy, để có cơ sở khẳng định chính xác, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành theo dõi, đặt các máy bẫy ảnh ghi hình làm bằng chứng”- ông Hoan chia sẻ.
Giám đốc Khu BTTN Bắc Hướng Hóa cũng khẳng định rằng, khi có những bằng chứng cụ thể về sự hiện diện của các loài ĐVHD quý hiếm, cùng với việc tăng cường tuần tra bảo vệ, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, không săn, bẫy, bắt, tiêu thụ ĐVHD. Đồng thời, thực hiện các chương trình nghiên cứu chuyên sâu về các loài ĐVHD để đánh giá chi tiết và có những biện pháp bảo tồn hữu hiệu nhất.