Giữ di sản bằng giáo dục trải nghiệm

Dạy trẻ hiểu biết về di sản văn hóa chính là một cách bảo tồn văn hóa sâu sắc và hữu hiệu, một khi những gì thuộc về văn hóa đã bén rễ trong lòng và được nuôi lớn từng ngày trong trái tim…

Suy tư ấy thật đúng khi nói về văn hóa Hà Nội và nhìn về những gì mà người Hà Nội hôm nay đang nỗ lực từng ngày để đưa môn giáo dục địa phương vào trường học.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

1. Dù kinh qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, hệ thống di tích, di sản của đất nghìn năm Thăng Long vẫn là niềm tự hào không thể phai phôi của người Hà Nội. Người ta vẫn tự hào mỗi khi nói về con số 5.922 di tích danh thắng, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội truyền thống - những con số “thay lời nói”: Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc.

Trên mảnh đất nghìn năm ấy có di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành cổ Sơn Tây, có đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, di tích đền Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn… Di tích nối dài di tích và mỗi địa danh ấy lại gắn với một câu chuyện, một bài học lịch sử của địa phương đang gìn giữ di sản trong tay mình.

Cùng với kho di tích mang đầy dấu ấn cội nguồn, văn hóa ấy, người Hà Nội cũng không thôi tự hào là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với xấp xỉ 2.900 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh. Hai niềm tự hào song hành khiến người Hà Nội không thể không nuôi hy vọng về cách bảo tồn văn hóa khơi nguồn từ trái tim những “mầm non tương lai” của mảnh đất hào hoa này. Thế nên bao nhiêu năm nay, người của ngành giáo dục Thủ đô luôn tâm niệm nhiệm vụ giáo dục địa phương, giáo dục di sản cho học sinh tại các trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Không chỉ đưa môn giáo dục địa phương lên bục giảng, các nhà trường còn tăng cường các hoạt động dã ngoại, tham quan, trải nghiệm thực tế tại địa phương để học sinh có kiến thức thực tế, hiểu sâu hơn về bài học trên lớp. Hơn thế, bản thân các địa điểm có di tích danh thắng cũng không quên khuyến khích các nhà trường và học sinh tới tham quan, học tập, trải nghiệm để giáo dục di sản cho bọn trẻ.

2. Đôi lần “ôn cố tri tân” giữa buổi hội nhập và giao lưu văn hóa mạnh mẽ hôm nay chợt nhận ra, con đường bảo tồn văn hóa khơi nguồn từ trái tim bọn trẻ thật… có sức nặng. Từ năm 2018, chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa được nâng tầm, bài bản và sâu rộng hơn thông qua “cái bắt tay” với ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô. Nhẩm đếm thấy đã có gần 50.000 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản chuyên sâu tại 2 khu di tích này, đấy là chưa kể số học sinh tham quan tự do tại đây.

Từ tháng 11/2018 tới nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng “khai màn” một số chương trình giáo dục di sản mới. Người làm di tích ở đó đã dồn tâm ý xây dựng hơn 30 chủ đề sinh động về các giá trị đa dạng của khu trường đại học đầu tiên của Việt Nam này. Bọn trẻ đến đây, làm việc theo nhóm rồi chia sẻ kết quả của mình với nhau và với những người hướng dẫn mình.

Điển hình như “Khu trải nghiệm cùng di sản” cho học sinh đưa vào hoạt động năm 2019 với các thiết bị dạy học hiện đại. Học sinh tham gia chương trình không chỉ nằm lòng những hiểu biết về các giá trị đa dạng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mà còn được bồi đắp cảm xúc, trau dồi kỹ năng với di sản nhờ các hoạt động trải nghiệm.

Đặc biệt phải nói đến “tour đêm” Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang chủ đề “Tinh hoa đạo học” bằng công nghệ Leap Motion (điều khiển chuyển động 3D) công phu và hấp dẫn ra mắt cuối tháng 10/2023. Đây là “tour đêm” thứ 4 của Hà Nội sau sản phẩm của di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Từ độ ra mắt cho đến hôm nay, tour trình chiếu mapping 3D này thực sự trở thành điểm thu hút tham quan hấp dẫn cho học sinh đến học tập, thưởng lãm và cho du khách đến tham quam, tìm hiểu về di tích…

Học sinh Hà Nội tham quan tìm hiểu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Học sinh Hà Nội tham quan tìm hiểu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cùng với những điểm nhấn tạo dựng bằng công nghệ và sắp đặt đó, nhiều bảo tàng đã thực hiện mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử”, kết hợp đổi mới trưng bày, đổi mới cách tiếp cận với công chúng. Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đều đã xây dựng những chương trình mới, sinh động để mở rộng quảng bá, phát huy giá trị di sản. Những chương trình giáo dục di sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang hướng đến tiếp cận những quan điểm và cách làm mới dựa trên những thế mạnh tài nguyên văn hóa đang được lưu giữ.

Vai trò của di sản được nhận thức cao hơn và việc giáo dục di sản được đổi mới khiến cho di sản và văn hóa Hà Nội đồng hành nhịp nhàng với người Hà Nội đương thời trong cuộc sống thời hội nhập và giao lưu văn hóa hôm nay.

3. Để hiện thực hóa Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, ngành Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã có kế hoạch tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn.

Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, 100% các trường trên địa bàn TP tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học. Song, chưa đến thời hạn đặt ra, mục tiêu ấy đã trọn vẹn và nhịp nhàng ở các trường phổ thông Hà Nội, chứng tỏ văn hóa và di sản đã như mạch nguồn trong trái tim người Hà Nội, chỉ cần được khơi dòng đúng cách là sẽ ào ạt tuôn trào.

Không quá lời khi nói rằng, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên đã cảm nhận rõ nét ý nghĩa của sử dụng di sản trong dạy học đối với việc hình thành các kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, góp phần phát triển năng lực học sinh.

Thế nên di sản văn hóa đã có mặt trong bài giảng, trong hoạt động ngoài giờ lên lớp và trong những buổi trải nghiệm tại di sản với sự hào hứng và sáng tạo. Nhiều địa phương, nhiều mô hình và phương pháp tiếp cận đã chứng tỏ hiệu quả trong giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn truyền thống, lịch sử cho lứa tuổi ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, dù chương trình giáo dục di sản quãng thời gian vừa qua đã thổi một luồng gió mới lên bục giảng và lớp học, song chương trình này vẫn ẩn hiện một số bất cập mà ai cũng dễ nhận ra.

Ấy là hạ tầng khu di sản chưa đủ điều kiện để đón nhiều học sinh đến trải nghiệm cùng một thời điểm.

Ấy là chương trình phần nhiều được tổ chức ngoài trời, phụ thuộc vào thời tiết, mà thiếu phương án dự phòng, ứng phó với thời tiết.

Ấy là chuyện thiếu thốn phương tiện dạy học, thiếu thời gian và các hướng dẫn cụ thể; thiếu cả những chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, ghi dấu những bài học ấn tượng trên giảng đường. Ngay cả việc lựa chọn di sản để tích hợp vào bài học và thời gian để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hình thức như trò chơi học tập, dạy học ngoài trời... cũng còn hạn chế.

Câu chuyện ứng dụng khoa học công nghệ tại bảo tàng, di tích cũng vậy, khi chưa có sự đa dạng trong các phần mềm ứng dụng, chưa có giải pháp công nghệ đột phá… Âu, đó cũng là những dấu hỏi cho nhà quản lý văn hóa và giáo dục trong hành trình phát huy giáo dục di sản văn hóa trong trường phổ thông - một cách bảo tồn văn hóa Hà Nội hết sức sáng tạo và đúng hướng.

Nhật Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giu-di-san-bang-giao-duc-trai-nghiem.html