Giữ gìn bản sắc dân tộc qua phần thi khéo tay, hay nghề

Ngày 9/6, tại sân Nhà văn hóa bản Khá, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu diễn ra phần thi khéo tay, hay nghề. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội xoài Yên Châu 2024

Các thí sinh là những nghệ nhân và những người có kinh nghiệm đại diện cho các xã đã lựa chọn một nội dung thi cụ thể về nghề thủ công truyền thống, như: Nam lựa chọn thi đan lát các vật dụng quạt, sọt, chài, lưới, mẹt, ép khẩu, đơm, đó… Nữ lựa chọn thi thêu khăn, thêu mặt gối, thêu khăn hoa, chắp cút piêu…

Phần thi khéo tay, hay nghề tại Ngày hội xoài Yên Châu năm 2024.

Phần thi khéo tay, hay nghề tại Ngày hội xoài Yên Châu năm 2024.

Trong thời gian 25 phút, các thí sinh phải hoàn thành nhanh nhất sản phẩm, có tính thẩm mỹ cao.

Các thí sinh nam thi đan lát vật dụng gia đình và sản xuất.

Các thí sinh nam thi đan lát vật dụng gia đình và sản xuất.

Phần thi đan lát, các thí sinh thi sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như cây tre, nứa, cây giang, khéo léo đan, uốn tạo ra các vật dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất đẹp mắt.

Phần thi đan giỏ đựng cá.

Phần thi đan giỏ đựng cá.

Ông Lừ Văn Hồng, đến từ xã Viêng Lán chia sẻ: Nghề đan lát được cha ông truyền lại từ lâu đời, đến nay, bà con dân tộc Thái vẫn lưu giữ. Tham gia phần thi khéo tay, hay nghề, tôi chọn đan muống (giỏ đựng cá). Để đan lát một chiếc muống bền, đẹp phải khéo léo uốn nan vòng quanh thật chắc, khít giữa các hàng nan…

Nội dung thi thêu khăn piêu.

Nội dung thi thêu khăn piêu.

Đối với phần thi thêu, tham gia thi có 7 thí sinh là những nghệ nhân, người có kỹ thuật thêu giỏi. Các thí sinh đã thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo, đúng kỹ thuật, thẩm mỹ và được Ban giám khảo đánh giá cao.

Thí sinh các đội tranh tài phần thi thêu khăn piêu.

Thí sinh các đội tranh tài phần thi thêu khăn piêu.

Đông đảo nhân dân xem và cổ vũ phần thi khéo tay, hay nghề.

Đông đảo nhân dân xem và cổ vũ phần thi khéo tay, hay nghề.

Chị Hoàng Thị Yên, đến từ xã Chiềng Khoi, chia sẻ: Chiếc khăn piêu là vật dụng không thể thiếu đối với người phụ nữ dân tộc Thái; chiếc khăn đội trên đầu hay quàng trên cổ làm cho người con gái Thái thêm duyên dáng. Tham gia phần thi thêu khăn piêu, không chỉ cần nhanh, còn đòi hỏi sự khéo léo từng đường kim, mũi chỉ, kết hợp hài hòa giữa chỉ màu sắc và hoa văn. Khi thêu, phải bắt đầu từ mảng hoa văn chủ đạo ở giữa rồi mới thêu dần ra xung quanh.

Các thí sinh thuyết trình phần thêu vỏ gối.

Các thí sinh thuyết trình phần thêu vỏ gối.

Phần thi khéo tay, hay nghề, thu hút sự quan tâm của nhân dân cũng như du khách đến tham quan. Chị Trần Thu Hương, du khách đến từ tỉnh Hưng Yên, cho biết: Cùng với thưởng thức hương vị xoài tròn đặc trưng của Yên Châu giữa không gian núi rừng, tôi và gia đình còn được trải nghiệm không gian văn hóa đồng bào các dân tộc huyện. Để lại ấn tượng nhất là phần thi nghề thủ công truyền thống, được chứng kiến các nghệ nhân làm ra các công cụ gắn bó với đời sống đồng bào, rất thú vị.

Ban giám khảo chấm phần thi khéo tay, hay nghề.

Ban giám khảo chấm phần thi khéo tay, hay nghề.

Phần thi khéo tay, hay nghề đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Yên Châu, là cơ hội để các thí sinh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lưu giữ các nghề truyền thống của dân tộc.

Nhóm PV

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-gin-ban-sac-dan-toc-qua-phan-thi-kheo-tay-hay-nghe-d23wdRUIg.html