Giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) phấn đấu đến năm 2025 sẽ phục dựng lại lễ hội, thành lập các câu lạc bộ, tổ chức dạy nghề truyền thống...

Lễ hội Mừng Lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) được phục dựng. Ảnh: PVH&TT.

Lễ hội Mừng Lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) được phục dựng. Ảnh: PVH&TT.

Qua công tác thống kê, lãnh đạo huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) nhận thấy, các lễ hội đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn ngày càng ít đi; các trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô cũng bị pha trộn, thưa dần…

Lãnh đạo huyện Hướng Hóa xác định, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của huyện.

Để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, huyện Hướng Hóa đặt ra nhiều mục tiêu. Cụ thể, đến năm 2025, mỗi năm địa phương sẽ tổ chức phục dựng ít nhất 1 lễ hội tiêu biểu của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.

Cũng trong thời gian này, sẽ tổ chức sưu tầm những vật dụng truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô như: trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ truyền thống… để trưng bày tại Nhà văn hóa Vân Kiều, Pa Kô huyện, Nhà văn hóa cộng đồng các thôn, bản.

Huyện cũng phấn đấu thành lập ít nhất 5 câu lạc bộ Cồng chiêng biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô; tổ chức dạy nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm men lá, đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống; tổ chức 1 - 2 lớp học ngôn ngữ dân tộc Vân Kiều, Pa Kô/năm; xây dựng các thước phim, các mô hình du lịch cộng đồng để vừa phát huy được các giá trị văn hóa của các dân tộc vừa kết hợp phát triển du lịch.

Cùng với đó, Huyện ủy Hướng Hóa chỉ đạo, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân; công tác đẩy mạnh phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; xây dựng các cơ chế chính sách, tập trung các nguồn lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ là những nhiệm vụ và giải pháp của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Với tinh thần đó, thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng, hát dân ca nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số, được đồng bào Pa Kô hết sức hào hứng tham gia.

Theo chia sẻ của anh Hồ Văn Vịnh (31 tuổi, trú xã Lìa, huyện Hướng Hóa), là một người con của đồng bào dân tộc Pa Kô nên anh luôn cảm thấy tự hào về những giá trị văn hóa riêng, độc đáo của dân tộc mình. “Điều đó luôn thôi thúc tôi phải cố gắng để làm sao gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc” – anh Vịnh nói và bày tỏ trăn trở, tuy nhiên, hiện nay văn hóa của Pa Kô đang dần bị mai một, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng cùng với các bạn trẻ giữ gìn các bản sắc văn hóa của cha ông để lại”. Với tinh thần đó, anh Vịnh đã vận động nhiều người dân cùng tham gia các lớp học cồng chiêng, hát dân ca để cùng bảo tồn và gìn giữ văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Đến nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa đã mở được một số lớp học cồng chiêng với sự tham gia của hàng trăm học viên đến từ 20 xã, thị trấn trên địa bàn. Tất cả học viên tham gia đều là người dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Kô.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch về “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô huyện Hướng Hóa”.

Năm 2022, đơn vị đã tổ chức phục dựng Lễ hội Mừng Lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng); tổ chức 4 lớp tập huấn cồng chiêng cho 291 học viên của 97 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thôn đặc biệt khó khăn của huyện (3 lớp dành cho đồng bào Vân Kiều, 1 lớp dành cho đồng bào Pa Kô); đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập Câu lạc bộ di sản phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; rà soát, hỗ trợ điều kiện hoạt động của các Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả.

Trong dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm 2022, Mặt trận các cấp trên địa bàn đã tổ chức chương trình biểu diễn những tiết mục văn nghệ là giai điệu dân ca của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; ngoài ra, trình diễn, trưng bày trang phục, nhạc cụ truyền thống, nông cụ… trong không gian Ngày hội Đại đoàn kết. Đây là hành động thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Năm 2022, Phòng văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa đã tổ chức phục dựng Lễ hội Mừng Lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng); tổ chức 4 lớp tập huấn cồng chiêng cho 291 học viên của 97 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thôn đặc biệt khó khăn của huyện (3 lớp dành cho đồng bào Vân Kiều, 1 lớp dành cho đồng bào Pa Kô).

Nghĩa Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giu-gin-ban-sac-van-hoa-cua-dong-bao-van-kieu-pa-ko-5720641.html