Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Xinh Mun

Chiếm 2% dân số của tỉnh Sơn La, đồng bào Xinh Mun là cộng đồng dân tộc thiểu số có nhiều nét văn hóa truyền thống, phản ánh qua các lễ hội lâu đời, phong tục, tín ngưỡng, kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống. Tuy nhiên, do biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, nhiều nét văn hóa truyền thống của bà con dần mai một và bị ảnh hưởng bởi văn hóa của các dân tộc khác.

Nghi lễ Mạng ma (cầu sức khỏe) của đồng bào Xinh Mun, tỉnh Sơn La, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi lễ Mạng ma (cầu sức khỏe) của đồng bào Xinh Mun, tỉnh Sơn La, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bản Pá Công, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, có 85 hộ đồng bào Xinh Mun sinh sống xen kẽ với đồng bào Thái. Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt đã khiến các nét văn hóa của người Xinh Mun chịu ảnh hưởng từ văn hóa của dân tộc Thái. Ông Lò Văn Cấu, cán bộ hưu trí, người có uy tín của bản Pá Công, chia sẻ: Trước đây, người Xinh Mun có tiếng nói riêng, thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm Môn - Khơ Me, nhưng trong quá trình sinh sống có sự giao thoa với ngôn ngữ của dân tộc Thái, tiếng nói của người Xinh Mun hiện nay không còn là tiếng nói chuẩn mà pha trộn nhiều từ tiếng Thái. Hầu hết người Xinh Mun đều sử dụng thông thạo tiếng Thái trong sinh hoạt, giao tiếp. Các loại hình diễn xướng dân gian như hát múa, trò chơi... đều có nét tương đồng hoặc giống hoàn toàn với dân tộc Thái.

Tại xã biên giới Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, có 12/17 bản có người Xinh Mun sinh sống, chiếm 73,22% dân số địa phương. Ông Vì Văn Lếch, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nhiều phong tục, tập quán của người Xinh Mun nơi đây vẫn được gìn giữ, bảo tồn. Trong đó, có các nghi lễ truyền thống, như lễ mừng cơm mới, cầu mùa, đặt tên... Tuy nhiên, các nghi lễ đều sử dụng bài cúng của dân tộc Thái. Kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Xinh Mun cũng có nét tương đồng như người Thái với mái hồi nhà theo kiểu khum tròn hình mai rùa.

Cộng đồng Xinh Mun ở tỉnh ta có hai ngành là Xinh Mun nghẹt và Xinh Mun dạ, với khoảng 4.200 hộ, hơn 15.600 nhân khẩu, phân bố chủ yếu ở các bản vùng biên giới Việt - Lào thuộc huyện Yên Châu, Sông Mã. Ngoài ra, còn có một số sống rải rác ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin: Xét về phương diện văn hóa, người Xinh Mun chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa dân tộc Thái. Nhưng những yếu tố tiềm ẩn thuộc về bản sắc riêng của dân tộc Xinh Mun vẫn còn tồn tại, như ngôn ngữ tuy có pha lẫn tiếng Thái, nhưng vẫn có nét riêng. Người Xinh Mun có nhiều tập quán xã hội mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó, các luật tục được xây dựng thành hương ước, quy ước, được thông qua dân chủ và tất cả các thành viên trong bản đều cam kết thực hiện.

Trong đời sống tín ngưỡng, đồng bào có tục thờ cúng tổ tiên, nhưng không tổ chức vào ngày mất hằng năm như các đồng bào khác mà tổ chức chung khi lên nhà mới, ăn cơm mới hay có việc hỷ. Đối với nghi lễ tang ma, gia đình tổ chức tang lễ trong bao nhiêu ngày thì hằng năm vào những ngày đó, gia đình phải kiêng không được bán gia súc, không được trồng ngô, lúa. Ngoài ra, người Xinh Mun còn có những lễ hội khác, như lễ Xên bản, lễ Mạng ma được thầy mo chủ trì, tổ chức vào dịp đầu năm, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Xinh Mun có nhiều điểm tương đồng so với trang phục phụ nữ Thái, song vẫn có nét riêng biệt. Áo mặc thường ngày chủ yếu là áo cóm nhiều màu, nẹp cổ liền với nẹp ngực. Váy màu đen, dài từ eo xuống mắt cá chân. Thân váy, gấu váy được thêu họa tiết hoa văn với điểm nhấn là chiếc thắt lưng quấn quanh eo. Thắt lưng thường làm bằng lụa, màu sáng, điểm thắt nút thường nằm ở phần hông bên phải... Điều này khẳng định đồng bào Xinh Mun chưa hoàn toàn bị đồng hóa về văn hóa. Họ vẫn có những sắc thái văn hóa riêng. Vấn đề đặt ra là cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa của đồng bào, không để bị mai một.

Năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Xinh Mun. Hoạt động phục dựng các nghi lễ đặc trưng được Bảo tàng tỉnh triển khai cùng với việc truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của người Xinh Mun. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát, lựa chọn và lập hồ sơ khoa học nghi lễ Mạng ma (cầu sức khỏe) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người Xinh Mun vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đa số nghệ nhân tuổi đã cao, việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống chưa được bài bản... Để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của người Xinh Mun, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa một số nội dung cụ thể vào kế hoạch triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021 - 2025). Trong đó, ưu tiên thành lập và duy trì các câu lạc bộ văn hóa, các đội văn nghệ; hỗ trợ trang thiết bị cho các nhà văn hóa bản có đồng bào Xinh Mun sinh sống; tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch…

Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, tin rằng, công tác bảo tồn, phát huy di sản của đồng bào Xinh Mun sẽ được thực hiện bài bản, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, tạo sự đa dạng trong bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-xinh-mun-GdRPB6CSg.html