Giữ hồn văn hóa Khmer

Tháng 3 - tháng của thanh niên và khát vọng cống hiến. Khi những sắc xanh của màu áo đoàn rực lên trên mọi nẻo đường, cũng là lúc trái tim của hàng triệu đoàn viên thanh niên cùng xung kích, sáng tạo xây dựng quê hương và không ngừng gìn giữ những giá trị truyền thống giữa nhịp sống hối hả. Và anh Lâm Phi Hùng, cán bộ Huyện đoàn Lộc Ninh không chỉ 'truyền lửa' cho phong trào đoàn tại địa phương mà còn là người 'giữ hồn' bản sắc văn hóa Khmer, để những tinh hoa dân tộc được giữ gìn, phát huy và tỏa sáng.

Giữ gìn, lan tỏa giá trị truyền thống

Gắn bó với công tác đoàn hơn 8 năm, anh Lâm Phi Hùng không chọn những việc lớn lao để ghi dấu ấn, mà lặng lẽ vun đắp phong trào từ những điều gần gũi như tổ chức lớp múa truyền thống, tái hiện lễ hội dân gian, gìn giữ trang phục, nhạc cụ, ẩm thực Khmer… Mỗi chương trình, hoạt động anh tham gia hay tổ chức đều hàm chứa giá trị văn hóa sâu sắc, mang trong mình hơi thở cội nguồn. “Tôi luôn xem công tác đoàn không chỉ là nơi rèn luyện tuổi trẻ mà còn là cầu nối để gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc. Được góp phần tổ chức những hoạt động tôn vinh nét đẹp truyền thống của người Khmer, S’tiêng và các dân tộc thiểu số khác đó là niềm tự hào lớn nhất trong quá trình công tác của mình. Tôi tâm niệm, làm công tác thanh niên thì trước hết phải làm sao để các bạn trẻ thấy được giá trị của chính mình, từ đó mới yêu, gắn bó và cùng gìn giữ cội nguồn văn hóa dân tộc” - anh Hùng chia sẻ.

Anh Lâm Phi Hùng luôn tổ chức những chương trình gần gũi nhất với đồng bào Khmer như mở lớp múa truyền thống, tái hiện lễ hội dân gian, gìn giữ trang phục, nhạc cụ, ẩm thực Khmer…

Anh Lâm Phi Hùng luôn tổ chức những chương trình gần gũi nhất với đồng bào Khmer như mở lớp múa truyền thống, tái hiện lễ hội dân gian, gìn giữ trang phục, nhạc cụ, ẩm thực Khmer…

Đối với anh Hùng, giữ gìn văn hóa không chỉ là trách nhiệm của người làm công tác đoàn mà còn là cách để lan tỏa niềm tự hào, thắp lên tinh thần đoàn kết dân tộc. Và anh đã “truyền lửa” nhiệt huyết qua những chương trình cụ thể mà Đoàn xã tổ chức như lớp truyền dạy múa dân gian, hội thi văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số… Điều đặc biệt nhất trong hành trình công tác đoàn của anh Hùng không phải là số lượng chương trình anh từng tổ chức, mà là văn hóa Khmer đã được “hồi sinh” trong trái tim đoàn viên Khmer địa phương. Từ chỗ còn e dè, xa lạ với chính văn hóa dân tộc mình, nhiều bạn trẻ Khmer đã dần yêu, tự hào và có trách nhiệm hơn với văn hóa dân tộc.

Với các bạn trẻ, tình yêu văn hóa giờ đây không chỉ còn trong sách vở hay những dịp lễ hội, mà đã trở thành một phần của hành trình lớn lên, trưởng thành. Em Lâm Thị Tiên, đoàn viên trẻ tại ấp Chà Là, xã Lộc Thịnh chia sẻ: “Em cảm thấy rất tự hào khi được tham gia các hoạt động đoàn. Qua đó em đã học hỏi thêm nhiều điều về truyền thống của dân tộc mình. Càng tham gia, em càng ý thức được rằng giữ gìn văn hóa không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách để khẳng định bản thân giữa xã hội hiện đại”.

“Chất keo” gắn kết thanh niên

Sẽ không có một phong trào thanh niên nào thực sự bền vững nếu thiếu đi những người đam mê, dấn thân và hiểu rõ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Và ở Lộc Ninh, hình ảnh anh Lâm Phi Hùng đã trở thành chất xúc tác lan tỏa tinh thần yêu văn hóa, gìn giữ bản sắc dân tộc đến từng chi đoàn, thôn, ấp vùng sâu, vùng xa. Từ những điệu múa tưởng như mai một đến những khúc nhạc bị lãng quên, anh Hùng đã cùng các bạn trẻ khôi phục và truyền cảm hứng trở lại. Văn hóa Khmer vì thế không chỉ được lưu giữ mà còn được thổi hồn sống động giữa đời thường, trong từng hoạt động đoàn cơ sở.

Anh Lâm Phi Hùng (bìa trái) truyền cảm hứng cho thanh niên người Khmer yêu và tự hào hơn về văn hóa dân tộc mình

Anh Lâm Phi Hùng (bìa trái) truyền cảm hứng cho thanh niên người Khmer yêu và tự hào hơn về văn hóa dân tộc mình

Em Thạch Thị Mai Trinh, học sinh lớp 12A1, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Trước đây, em biết về văn hóa Khmer chỉ qua lễ hội hoặc sách vở, nhưng nhờ tham gia công tác đoàn và được anh Hùng hướng dẫn, em mới hiểu rõ và cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình. Càng tìm hiểu, em càng tự hào vì nhận ra rằng, mình đang mang trong tim một phần văn hóa rất đặc biệt”.

Anh Lâm Phi Hùng không chỉ là cán bộ đoàn tâm huyết mà còn là người biết trân trọng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc một cách sống động, sáng tạo. Từ những điệu múa, điệu nhảy dân gian đến những giá trị tinh thần của người Khmer, anh đã đưa văn hóa dân tộc trở thành “chất keo” gắn kết thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số, tạo sức lan tỏa tích cực trong công tác đoàn tại địa phương.

Phó Bí thư Huyện đoàn Lộc Ninh HOÀNG MINH DIỆU

Trong thời đại cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị hòa tan và lãng quên. Thế nhưng, những người như anh Hùng đã và đang chủ động giữ gìn, tích cực lan tỏa và sáng tạo trong cách truyền tải văn hóa đến thế hệ trẻ. Không chỉ “giữ hồn”, anh Lâm Phi Hùng còn “gieo mầm” - mầm tự hào, mầm tri thức và cả trách nhiệm với văn hóa dân tộc.

Từ câu chuyện của anh Lâm Phi Hùng, có thể thấy mỗi đoàn viên hôm nay không chỉ là người dẫn đường của tuổi trẻ mà còn là nhịp cầu kết nối truyền thống với tương lai. Và trong hành trình ấy, những đoàn viên như anh Hùng vẫn đang bền bỉ viết tiếp câu chuyện đẹp của thế hệ trẻ hôm nay: sống có lý tưởng, biết yêu cội nguồn và luôn gìn giữ ngọn lửa truyền thống trong tim.

Thanh Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/170773/giu-hon-van-hoa-khmer