Giữ tiếng chiêng ngân ở KaoKuil
Đội Cồng chiêng thôn KaoKuil, xã Bảo Thuận, là nơi mà nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc K'Ho trên cao nguyên Di Linh được giữ gìn và tiếp nối. Suốt 15 năm nay, người già trong thôn tâm huyết truyền dạy, còn người trẻ say mê học tập để lan tỏa những tiếng chiêng, điệu múa đi xa.

Những chàng trai, cô gái K'Ho của đội cồng chiêng thôn KaoKuil cùng giao lưu với du khách trong những tiếng chiêng và điệu múa xoang uyển chuyển
Đội Cồng chiêng thôn KaoKuil được thành lập từ năm 2010, hiện có gần 30 thành viên cốt cán, đa số trong đó là người trẻ và có cả các em học sinh. Dù ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề và công việc khác nhau, nhưng họ đều chung niềm đam mê với cồng chiêng và tình yêu sâu sắc với văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi hoặc những ngày cuối tuần, các thành viên trong đội lại tập hợp, cùng luyện tập từng nhịp chiêng, những điệu múa xoang mềm mại, uyển chuyển.
Ở tuổi 62, già K’Tèm là người thầy tận tâm của Đội Cồng chiêng thôn KaoKuil. Những lớp học không giáo án, “thầy giáo” kiên nhẫn cầm tay chỉ việc, tỉ mỉ truyền dạy từng nhịp chiêng cơ bản cho lớp trẻ. Không chỉ dạy thực hành, già K’Tèm còn giảng giải về cội nguồn và vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng, giúp thế hệ trẻ thêm yêu và tự hào để có ý thức bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo già K’Tèm, cồng chiêng, đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và người K’Ho nói riêng là nhạc cụ thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Tiếng cồng chiêng theo con người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, khi có mặt ở rất nhiều sự kiện quan trọng như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ bỏ mả... Đó cũng là sợi dây thanh âm huyền bí kết nối giữa con người với thế giới thần linh.
Già K’Tèm chia sẻ: “Điều khiến tôi cảm thấy vui nhất là con cháu trong thôn ngày càng hào hứng với việc học đánh chiêng và các điệu múa xoang truyền thống. Sẽ đến một ngày chúng tôi không còn nữa, nhưng chính sự say mê của những người trẻ khiến tôi tin rằng món ăn tinh thần quý báu này sẽ còn được lưu giữ lâu dài”.
Niềm hy vọng được già K’Tèm và lãnh đạo địa phương đặt nhiều vào thế hệ trẻ, bởi ông hiểu rằng, rồi đây, những chàng trai, cô gái K’Ho sẽ không chỉ quẩn quanh trong xóm, trong thôn, mà sẽ có cơ hội “tung bay” đến những chân trời mới. Khi đó, mỗi người trong số họ, với tình yêu và những điều đã học được, sẽ là một đại sứ để quảng bá và lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của già K’Tèm cũng như các già làng và nghệ nhân trong thôn, cùng sự nỗ lực, kiên trì của các thành viên trong Đội Cồng chiêng thôn KaoKuil, những thanh âm rời rạc ban đầu dần trở thành những bài cồng chiêng hoàn chỉnh, đặc sắc sau nhiều tháng tập không ngừng nghỉ. Các thành viên trong Đội Cồng chiêng thôn KaoKuil không chỉ học cách đánh chiêng mà còn thấm nhuần những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc gắn liền với từng giai điệu. Giữa không gian núi rừng cao nguyên Di Linh, âm vang trầm hùng của cồng chiêng hòa quyện với những vòng xoang khoan thai, như một lời nhắc nhở về cội nguồn, về dòng chảy bền bỉ của lịch sử, nối liền quá khứ và hiện tại. Chị Ka Luân - Đội trưởng Đội Cồng chiêng thôn KaKuil, xã Bảo Thuận chia sẻ: “Trong thời đại hiện nay, giới trẻ ít quan tâm hơn đến những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua những lớp học cồng chiêng, chúng tôi không chỉ được truyền dạy các kỹ thuật, động tác, mà còn được bồi đắp thêm tình yêu và tinh thần trách nhiệm để bảo tồn nét đẹp văn hóa của người K’Ho”.
Để những tiếng cồng chiêng thực sự đi vào cuộc sống hàng ngày, Đội Cồng chiêng thôn KaoKuil thường xuyên được địa phương khuyến khích, hỗ trợ tham gia diễn tấu tại các sự kiện. Từ những hoạt động văn nghệ tại thôn, xóm... tiếng chiêng và điệu múa xoang của những chàng trai, cô gái xã Bảo Thuận đã xuất hiện nhiều hơn tại các điểm du lịch cộng đồng hay các sự kiện văn hóa cấp tỉnh, giao lưu tại các đợt liên hoan văn hóa các dân tộc Tây Nguyên của tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, các nghệ nhân trẻ tuổi không chỉ có thêm cơ hội trau dồi chuyên môn kỹ năng đánh chiêng, múa xoang, mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách gần xa.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/giu-tieng-chieng-ngan-o-kaokuil-381244.html