Giữa muôn trùng lắng đọng phù sa

Báo chí là một dòng chảy không ngừng. Người làm báo các thế hệ là những giọt nước làm nên dòng chảy ấy. Dù ở thời đại nào, họ cùng có điểm chung là ý nguyện dâng hiến vì đất nước, vì Nhân dân.

Dòng sông không ngừng chảy

Nhìn lại hành trình 99 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, sau từng câu chữ là góc nhìn về cuộc sống muôn màu, là niềm trăn trở trước các vấn đề thế sự. Hành trình ấy có những con người sáng ngời phẩm cách nhà báo. Phẩm cách đó tạo nên từ khả năng nắm bắt hơi thở đời sống, gắn bó mật thiết với Nhân dân, cảm nhận được những gì nóng bỏng, bức thiết trong xã hội, từ đó lên tiếng một cách có trách nhiệm và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Đó cũng chính là tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, bảo vệ sự thật và công lý.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan gian hàng của các cơ quan báo chí của Quốc hội tại Hội báo Toàn quốc năm 2024. Ảnh: Nhật Trường

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan gian hàng của các cơ quan báo chí của Quốc hội tại Hội báo Toàn quốc năm 2024. Ảnh: Nhật Trường

Như “đại thụ” của làng báo, cố nhà báo Hữu Thọ, cả cuộc đời lao động báo chí đã hành động theo tinh thần ấy. Gần 60 năm cầm bút, ông cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí ở nhiều thể loại, từ bình luận, tiểu phẩm, bút ký, đối thoại đến phê phán… Qua đó, phản ánh chân thực muôn mặt cuộc sống, cảnh tỉnh xã hội, góp sức vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bàn về sự tha hóa quyền lực, về đạo đức nghề báo, về trách nhiệm xã hội và lương tâm của người cầm bút. Câu nói “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc” vốn được lấy làm tên một quyển sách của ông bây giờ là danh ngôn truyền cảm hứng cho nhiều người làm báo.

Đạo đức nghề nghiệp, lương tâm của người làm báo cũng là điều mà nhà báo lão thành Phan Quang đặc biệt coi trọng. Ông khẳng định: “Ai yêu nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, đạo đức của người làm báo. Chúng ta vì nước vì dân mà tác nghiệp, tránh không để tay bị nhúng chàm vì lợi danh. Đó là căn cốt. Tấm lòng ta sáng, cái đức ta trong, ta tôn trọng sự thật, ta phụng thờ lẽ phải, ta viết báo vì lợi ích những người đọc chúng ta, đó là đạo đức”.

Nhà báo Phan Quang ví báo chí như dòng sông không ngừng chảy, những nhà báo thuộc các thế hệ khác nhau là những giọt nước làm nên dòng sông ấy. Dù ở thượng nguồn hay hạ lưu, sông vẫn dòng sông ấy, nước vẫn giọt nước ấy. Dù già hay trẻ, họ có điểm chung là lòng yêu nước và ý nguyện dâng hiến vì nước, vì dân.

Vì nước, vì dân mà trau dồi trí tuệ, mài giũa ngòi bút, để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của mình. Thiếu tướng Trần Công Mân (nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân) thường tâm sự với đồng nghiệp báo chí như vậy. Ông bảo, làm báo chỉ để không sai thì không khó. Làm báo vừa đúng lại vừa hay, vừa hấp dẫn, thiết thực, thật sự có ích cho cuộc sống, nói trúng, nói đúng những vấn đề bạn đọc đang mong chờ, có sức lay động và thuyết phục, tạo ra sức mạnh mới trong nhận thức và hành động mới khó. Nó đòi hỏi người làm báo phải lao tâm khổ tứ, cực nhọc và gian nan. Đó cũng là đặc thù của lao động báo chí, bởi lẽ, chứa trong mình những giá trị tốt đẹp, báo chí mới có thể lan tỏa giá trị ấy với xã hội.

Trên những khúc quanh thời cuộc

Sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước luôn đầy thử thách, khó khăn. Thử thách, khó khăn đối với toàn Đảng, toàn dân cũng là thử thách, khó khăn đối với báo chí. Giữa muôn trùng sóng, trên những khúc quanh của thời cuộc, báo chí như con tàu tiến về phía trước, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Báo chí chú trọng, quan tâm dành nhiều dung lượng, thời lượng, diện tích thông tin, tuyên truyền, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới, lan tỏa những thông tin tích cực về tình hình đất nước, đời sống Nhân dân. Báo chí bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh sâu sắc, đậm nét từ những vấn đề từ quốc gia đại sự đến những câu chuyện bình dị, đời thường. Người làm báo không vắng mặt ở bất cứ “trận địa” nào, cứ dấn thân, lăn xả vào hiện trường, vào gian khó, để đem đến thông tin cho công chúng.

Thời đại cách mạng công nghệ, thế giới thường xuyên biến động và tiềm ẩn nhiều mặt khó lường, lằn ranh thiện - ác mỏng manh, cơ hội và thách thức luôn song hành và dễ chuyển hóa ngược chiều, thử thách bản lĩnh của người làm báo. Ấy thế, trong bức tranh chung của báo chí Việt Nam không tránh khỏi có những điểm đen. Một số cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; một số cơ quan báo chí “ngại” nhập cuộc, cải tiến, không đáp ứng đòi hỏi của thời đại. Có tờ báo chạy theo thị hiếu tầm thường, chạy theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, cung cấp thông tin không được kiểm chứng, không chính xác, thiếu trách nhiệm. Trong đội ngũ người làm báo hiện nay, còn bộ phận xem đây là nghề “hái ra tiền”, bỏ quên tính cách mạng của báo chí, thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện, mang danh nhà báo để vụ lợi, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp...

Để thấy rằng con đường làm báo không đơn giản, người làm báo luôn phải tự vấn lương tâm, ngẫm lại ngòi bút của mình. Còn đó những khổ đau, bất công, ngang trái, chúng ta đã bảo vệ chưa? Đặt câu hỏi như vậy, nhà báo Hồ Quang Lợi trả lời: “Ngòi bút chúng ta viết về điều tốt đẹp, đấu tranh với cái xấu, nhân lên niềm tin vào lẽ phải, công lý và sự thật. Đó là con đường chông gai của người làm báo. Ngòi bút phải chính trực và nhân văn để ánh sáng của lương tri và sự tử tế được nhân lên trong cuộc đời này”.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, sau bao năm lăn lộn dọc ngang đất nước, hết lòng với từng con chữ từng thốt lên: “Tôi đã làm tốt trang công tác đoàn, trang văn hóa, trang phóng sự - ghi chép, an ninh trật tự… nhưng dường như, suốt dăm bảy đến gần chục năm ròng, tôi cứ làm mà chưa bao giờ dừng lại tự hỏi: bài viết của mình sẽ đi về đâu, đem lại cái gì sâu thẳm nhất hoặc đáng để đón chào nhất cho công chúng? Đến một ngày, những va đập, trăn trở của đời khiến tôi nhận ra bài viết đôi khi phải hướng tới nhiều hơn những tác động xã hội tích cực”.

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, trên tất cả, cái mà công chúng trông chờ nhiều nhất có lẽ vẫn là việc nhà báo xông pha, thể hiện trách nhiệm công dân chân chính, trách nhiệm xã hội. “Trên hành trình ấy, các ý tưởng, khát vọng cháy bỏng và không kém phần phiêu lưu của người làm báo rất nhiều khi đã trở thành hiện thực. Góp tiếng nói để thay đổi hiện thực, đóng góp sức mình cho cộng đồng bằng từng bài viết cụ thể, đó là thước đo phẩm cách của người làm báo”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/giua-muon-trung-lang-dong-phu-sa-i376379/