Giúp trẻ 'chơi mà học' dịp Tết: Phát triển kỹ năng xã hội
Những bài học về Tết cổ truyền mà cha mẹ dạy cho con chính là cách để trẻ thêm hiểu, yêu và trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc.
Đó là lý do vào mỗi dịp Tết, các phụ huynh thường dành thời gian để dạy con về kỹ năng sống.
Trẻ cần được giao việc như dọn dẹp góc học tập của mình gọn gàng hơn, cùng cha mẹ vệ sinh, trang trí nhà cửa, đồng thời, chúng cũng cần biết thể hiện sự kính trọng, yêu thương mọi người qua những hành động cụ thể dịp Tết.
Hiểu về cội nguồn
Cô Mai Chi cho biết, bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, bữa cơm tất niên, tân niên có giá trị văn hóa gần với gia đình, thể hiện ý nghĩa sum họp. Đây sẽ là mâm cơm có đủ đầy các thành viên trong gia đình sau một năm đi làm ăn xa. Với những ý nghĩa đặc biệt như thế, cha mẹ cần dạy trẻ phải biết tôn trọng, giáo dục, gìn giữ cho thế hệ sau.
Tết Nguyên đán là cơ hội rất tốt để giáo dục con trẻ thông qua những tục lệ. Chẳng hạn, trong phong tục tảo mộ ngày Tết, gia đình có thể dạy con cháu về nguồn cội, tổ tiên, biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tưởng nhớ tới người đã mất.
Hay dân gian có câu “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, nhắc nhở con người sống biết nguồn cội, tôn sư trọng đạo… Do vậy, không phải những bài tập về nhà gây áp lực cho học sinh, Tết Nguyên đán là dịp để ông bà, cha mẹ, người thân cùng trẻ em làm nên những bài học ý nghĩa từ thực tế đời sống. Các hoạt động thực tế cùng với gia đình dịp Tết sẽ cho trẻ những bài học lớn, có giá trị, vượt xa hơn bài tập trong sách vở.
Tại Việt Nam, các mẹ thường đưa con đi chợ Tết để sắm sửa đồ đạc, thực phẩm. Việc cùng mẹ khám phá những gian chợ Tết, dạo chơi chợ hoa… sẽ giúp thế giới quan của các con mở rộng hơn, trau dồi hiểu biết về nét đẹp văn hóa ngày Tết của dân tộc.
Ngoài ra, khi mua đồ Tết, các mẹ cũng thường hướng dẫn con cách chọn đồ thực phẩm để trẻ có thể tự lập cho cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, để rèn kỹ năng sống tự lập cho con, phụ huynh thường khuyến khích con tham gia dọn dẹp, tổng vệ sinh, trang trí nhà cửa. Đặc biệt, nhiều gia đình còn để con cùng tham gia gói bánh chưng.
Không chỉ tại Việt Nam, mà ở những quốc gia khác, phụ huynh cũng vô cùng chú trọng tới việc dạy trẻ kỹ năng sống trong dịp lễ đặc biệt. Tại Nhật Bản, vào dịp Tết truyền thống Oshougatsu, các mẹ Nhật không chỉ dạy con bài học đạo đức về lễ nghi kính trên nhường dưới, chúc Tết mọi người, cư xử lịch sự, nhã nhặn… mà còn hướng dẫn trẻ kỹ năng sống tự lập thông qua nhiều trải nghiệm truyền thống.
Mẹ Nhật khuyến khích con tham gia vào các hoạt động chung của gia đình như chuẩn bị món ăn, làm đồ chơi ngày Tết… Đồng thời, nói cho con biết ý nghĩa của những món ăn cũng như đồ chơi đó. Vào dịp Tết, trẻ em Nhật Bản thường cùng bà và mẹ làm bánh dầy Ozoni. Đây là một món ăn truyền thống của người Nhật Bản, tượng trưng cho mong muốn nhận được nhiều quà của các vị thần.
Trong khi đó, với người Trung Quốc, việc giáo dục cho con về ngày Tết cổ truyền và hướng dẫn trẻ kỹ năng sống luôn được các mẹ quan tâm hàng đầu. Bởi, các phụ huynh mong muốn con sẽ tiếp tục gìn giữ những phong tục tập quán, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vào thời điểm cận Tết, người Trung Quốc thường tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để xua đuổi những điều không may trong năm cũ. Vì vậy, trẻ thường xuyên được tham gia cùng cha mẹ.
Ở Hàn Quốc, các phụ huynh thường tận dụng dịp Tết để dạy con kỹ năng sống về những phong tục truyền thống. Các con được học về nghi lễ như cách chắp tay và cúi đầu, sự khác biệt giữa cách bái lạy của con gái và con trai…
Gìn giữ giá trị truyền thống
Các chuyên gia cho rằng, việc trang bị cho trẻ những kỹ năng sống văn minh, lịch sự trong dịp Tết sẽ giúp các bé phát triển kỹ năng xã hội. Bởi, ngày Tết thường là dịp để trẻ gặp gỡ nhiều người, từ gia đình đến bạn bè và người thân.
Việc trẻ được trang bị kỹ năng giao tiếp, biết cách tôn trọng trong dịp này giúp trẻ tạo ra các mối quan hệ tích cực và làm giàu thêm kinh nghiệm xã hội. Bên cạnh đó, Tết là lễ hội truyền thống có ý nghĩa lớn về văn hóa. Vì vậy, cha mẹ không chỉ giúp con hiểu và kính trọng giá trị truyền thống, mà còn giữ những nét đẹp này được bền vững qua thời gian.
Theo chị Đỗ Thị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) – một phụ huynh có con học mầm non, ngay từ nhỏ, các cha mẹ nên dạy trẻ về phong tục tập quán trong dịp Tết. Chị Hương cho biết, Tết là thời điểm thường đầy ắp hoạt động và sự kiện. Khi trẻ biết cách ứng xử và tham gia vào những hoạt động này một cách tích cực, bé có thể tận hưởng niềm vui từ những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ.
“Tôi cho rằng, Tết còn là thời điểm để cha mẹ dạy con về cách ứng xử trong các tình huống đặc biệt. Chúng ta thường ăn uống, tiệc tùng cùng gia đình, bạn bè. Đặc biệt, trẻ sẽ được lì xì. Do đó, việc con biết cách ứng xử đúng mực là rất quan trọng. Điều này giúp cả cha mẹ và con tránh được các tình huống khó xử”, phụ huynh này chia sẻ.
Là phụ huynh của hai con, cô Nguyễn Thị Tình - Trường Mầm non Trần Quốc Toản (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, Tết là dịp gia đình dạy cho con những phong tục ngày Tết, bài học về cội nguồn. Bản thân cô Tình đã áp dụng điều này với học sinh của mình cũng như với các con của cô.
Ví dụ, nhà trường dạy gói bánh chưng, giới thiệu những trò chơi dân gian ngày Tết, viết câu đối, kể những câu chuyện liên quan ngày Tết...; dạy các con cách ở nhà viết thiệp chúc Tết, trang trí mâm cỗ, kể những câu chuyện gia đình...
Tuy vậy, mỗi gia đình một khác, nên những phong tục này được làm đậm nét ở gia đình càng cho trẻ có hứng thú với ngày Tết. Theo nữ giáo viên Trường Mầm non Trần Quốc Toản, không khí gia đình cùng nhau chuẩn bị mâm quả, bánh chưng, trang trí Tết sẽ là cội nguồn nuôi dưỡng những tâm hồn bao dung, nhân ái của trẻ.
Mặt khác, bên cạnh kiến thức, mỗi trẻ cần bồi dưỡng các kỹ năng sống. Trong đó, có kỹ năng làm việc nhà, nhóm (với người thân), giao tiếp (chào hỏi, chúc Tết)... “Chúng ta có thể vừa dạy trẻ làm việc nhà, truyền thống cho trẻ qua những câu chuyện thú vị ngày Tết của gia đình”, cô Tình chia sẻ.
Cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã giáo dục cho học sinh của mình biết rằng: “Dọn dẹp cuối năm để nhà cửa gọn gàng đón năm mới, vì dịp này sẽ có nhiều người đến nhà chơi. Hoạt động này còn mang thông điệp là sắp xếp lại những ‘bừa bộn’ của năm cũ để chào đón năm mới An khang, Thịnh vượng”.
Cũng theo cô Mai Chi, trong những ngày Tết, có nhiều phong tục rất đẹp cần giáo dục cho trẻ. Trong đó, bữa cơm tất niên, tân niên là một trong những nghi lễ văn hóa độc đáo của người Việt. Ngày 30 Tết, gia đình thường chuẩn bị mâm cơm để mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn Tết, sum họp cùng con cháu. Ngày mùng 1 Tết, gia đình lại chuẩn bị mâm cơm cúng tân niên. Việc này thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt.
“Ngoài ra, phụ huynh cần giúp con hình thành thói quen lịch sự, văn minh trong ngày Tết. Đây là dịp diễn ra hằng năm, nên khi cha mẹ trang bị kỹ năng sống cho trẻ trong dịp Tết, các con sẽ hình thành một thói quen tốt ở hiện tại và cả tương lai”, cô Mai Chi cho biết và chia sẻ thêm, khi trẻ ở lứa tuổi mầm non - khoảng 3 - 4 tuổi trở lên, trẻ đã biết ngồi ngoan trong khi cha mẹ đang trò chuyện.
Khi muốn nói gì, trẻ sẽ ra dấu hoặc nói nhỏ với mẹ mà không phải cắt lời ngang. Tuy nhiên, một số cha mẹ vẫn cho rằng, con còn nhỏ nên không biết gì. Do đó, phụ huynh không hướng dẫn con, khiến bé không biết cách giữ im lặng khi cha mẹ đang trò chuyện. Bởi, trẻ không biết được việc cắt ngang lời người lớn hay quấy khóc trong lúc cha mẹ đang nói chuyện là thiếu lịch sự.
Do đó, phụ huynh nên thỏa thuận một vài ký hiệu với con và hướng dẫn cho bé ra dấu trước khi muốn nói điều gì. Hãy cho con “thực tập” bằng cách tham gia vào bữa cơm của gia đình, hay những buổi mà cha mẹ đang ngồi nói chuyện. Phụ huynh hãy cho con biết được khi nào thì nên ngoan ngoãn chơi yên lặng, không quấy khóc khi nhà đang có khách. Ban đầu, cả cha mẹ và trẻ có thể sẽ cảm thấy khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu kiên trì và nỗ lực, cha mẹ sẽ thành công trong việc giáo dục trẻ trở thành người có ý thức tốt.
Cũng theo cô Mai Chi, trong những ngày Tết, khi đến chơi nhà người khác, gia đình có thể được chủ nhà mời ở lại để dùng cơm. Tuy nhiên, trẻ em vốn dĩ phản xạ theo tự nhiên, một khi đã ăn no rồi, trẻ sẽ nhất quyết đòi về. Thậm chí, có những bé còn quậy phá trong bữa cơm. Hoặc trẻ sẽ ngồi im nhìn mọi người bằng khuôn mặt cau có, khó chịu.
“Cách giải quyết tốt nhất cho tình huống khó xử này chính là cha mẹ hãy chủ động mang theo đồ chơi cho bé. Hoặc, phụ huynh có thể cho trẻ xem ti vi trong khi ngồi đợi cha mẹ. Đối với trẻ ăn ngậm, chậm hoặc lười ăn, cha mẹ có thể cho con ăn một ít, để về nhà ăn tiếp. Không nên ép con ăn hết, nhất là khi mình là khách đến chơi. Như vậy, có thể giúp mọi người đều duy trì trạng thái vui vẻ trong ngày Tết”, nữ giáo viên gợi ý.
Theo chuyên gia, Tết cũng là cơ hội để nhắc nhở mỗi người lớn cần phải biết nhìn lại bản thân, xem mình đã sống đủ tốt với mọi người, với cha mẹ hay chưa. Không ít người cho rằng Tết ngày nay chỉ chạy theo giá trị vật chất mà bỏ quên yếu tố tinh thần. Nhưng với người Việt, Tết là dịp để giáo dục truyền thống, đạo đức cho con cháu.