Gỡ 'điểm nghẽn' trong phát triển kinh tế tư nhân
Chiều 15/5, các ĐBQH thành phố Hà Nội đã thảo luận tại Tổ 1 về Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân
Phát biểu tại thảo luận Tổ 1, các ĐBQH Hà Nội thống nhất nhận định, các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ tinh thần thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đưa ra nhiều chính sách rất đột phá, như đổi mới về thể chế, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hỗ trợ cho khoa học chuyên sâu, không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế. Đây là động lực cho toàn dân phấn khởi tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đổi mới công nghệ, dám dấn thân và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan thể hiện sự đồng tình cao với dự thảo nghị quyết Quốc hội về việc ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, các nội dung của Nghị quyết đã thể hiện rõ tinh thần thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, trong đó nêu ra nhiều chính sách rất đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như đổi mới về thể chế, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hỗ trợ cho khoa học chuyên sâu, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế... "Đây là động lực cho toàn dân phấn khởi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ, dám dấn thân và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan phát biểu tại Tổ 1, chiều 15/5
Để nghị quyết có thể đi ngay vào cuộc sống, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng cần phải cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ này như thế nào cho hiệu quả. Đồng thời, cần có các chính sách rất cụ thể, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính... vì từ trước tới nay cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn còn chưa được như mong muốn hoặc thực hiện chưa thực sự đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan cũng đề xuất cần có chính sách ưu đãi và quan tâm đủ mạnh, đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn. Đồng thời, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các ngành phụ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp như cơ khí, máy móc, vật tư, hóa chất, đặc biệt là các tổ hợp giống lai tiến bộ...
Đáng chú ý, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng, phải cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả. Mỗi lĩnh vực cần rà soát kỹ để chọn ra những mảng còn yếu, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng lại có nhiều dư địa phát triển và cần thiết cho đất nước để xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nhiều hơn.
Bố trí đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
Thảo luận về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, ĐBQH Dương Minh Ánh cho biết, việc xây dựng Luật là cần thiết, nhằm góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước của Đảng và Nhà nước ta; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình; khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 1, chiều 5/5
Về cơ bản, đại biểu đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội. Đồng thời, bày tỏ tán thành và đánh giá đề xuất bổ sung lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (tại Điều 12) là điểm mới so với Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội Khóa XIV.
Theo đại biểu, về cơ sở pháp lý thì Bộ Chính trị đã thông qua Đề án tổng thể về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Trong đó, nêu rõ: " Về lộ trình tham gia, giai đoạn tham gia chính thức (2014 - 2020), xem xét cử các lực lượng như bộ binh, nhân viên dân sự, cảnh sát... tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi được đề nghị và phù hợp với lợi ích, nhu cầu và khả năng của Việt Nam. Về cơ chế quyết định, cử cán bộ dân sự tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cử cán bộ tham gia". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cần được cụ thể thể hóa trong Dự án luật, ĐBQH Dương Minh Ánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, về cơ sở thực tiễn, qua tình hình thực tế triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và tham khảo kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới, đại biểu cho ngoài lực lượng vũ trang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, các nước còn cử các viên chức chính phủ tham gia ở các vị trí quan trọng như: Chánh Văn phòng phái bộ, Giám đốc hỗ trợ thực địa, chuyên gia y tế, chuyên gia nhân quyền, chuyên gia pháp luật, nhân viên an ninh, nhân viên hỗ trợ... Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc là tổ chức dân sự; lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các phái bộ thực địa tại Trụ sở Liên Hợp Quốc bao gồm 3 đối tượng chính, là: quân đội, cảnh sát và dân sự.
"Đối tượng dân sự thường có tính ổn định cao và nắm các vị trí quan trọng, lãnh đạo cao cấp. Do vậy, việc bố trí đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là hợp lý, có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với định hướng của Đảng cùng với yêu cầu thực tiễn quốc tế", ĐBQH Dương Minh Ánh nhấn mạnh.