Gỡ khó cho hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử kết nối dữ liệu với cơ quan thuế

Ngày 10/7/2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo tham vấn về kết quả điều tra hộ kinh doanh thực hiện hóa đơn, chứng từ tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP.

Từ trước đến nay, các hộ, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là HKD thường được áp dụng các quy định pháp lý đơn giản, trong đó chế độ hóa đơn, chứng từ. Việc này mang lại sự thuận tiện và đơn giản cho HKD, nhưng cũng tiềm ẩn tình trạng giấu doanh thu. Nhằm minh bạch doanh thu, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch, Nhà nước đang từng bước thay đổi các quy định về hóa đơn, chứng từ với HKD.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI cho hay, một bước chuyển đáng chú ý trong quá trình này là Nghị định 70/2025/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 70). Quy định mới yêu cầu các HKD đang nộp thuế theo phương pháp khoán và có doanh thu từ 01 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế (sau đây gọi tắt là HĐĐT KNCQT).

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, khi Nghị định 70 có hiệu lực từ ngày 01/6 vừa qua, phản ánh từ các phương tiện truyền thông cho thấy có trạng một số HKD lúng túng. Cụ thể, chỉ 11% hộ kinh doanh thực sự hiểu rõ nghĩa vụ của mình, trong khi 51% chưa từng được liên hệ hay hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế. Việc tương tác trực tiếp với chính quyền địa phương còn hạn chế, khiến nhiều hộ lúng túng trong triển khai. Đặc biệt, phần lớn hộ kinh doanh vẫn lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu, thay đổi thói quen vận hành, cũng như những áp lực từ công nghệ và thủ tục mới.

Thậm chí đã xuất hiện tâm lý lo lắng và hiểu sai chính sách, khi không ít HKD lo sợ rằng việc kê khai doanh thu thực tế sẽ làm tăng đột biến số thuế phải nộp so với hình thức thuế khoán trước đây. Sự thiếu thông tin và những tin đồn thất thiệt đã dẫn đến các phản ứng tiêu cực như tạm đóng cửa, hạn chế nhận chuyển khoản hoặc cố tình ghi sai nội dung giao dịch để né tránh.

Cũng chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết thêm, việc triển khai quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đã và đang tác động trực tiếp đến hộ, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc. Kết quả khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, quá trình chuyển đổi này không hề dễ dàng, nhất là đối với khu vực kinh tế cá thể vốn hạn chế về năng lực công nghệ, chiếm tỷ lệ với 73% HKD phản ánh gặp khó khăn.

Tiếp theo, 53% lo ngại về thủ tục hành chính còn phức tạp; 49% chưa sẵn sàng thay đổi thói quen kinh doanh vốn đã tồn tại nhiều năm. Bên cạnh đó, 37% HKD cho biết họ không có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ chính sách, đồng thời cũng thiếu nguồn lực để đầu tư thiết bị đầu cuối phù hợp.

Đáng chú ý, một bộ phận HKD bày tỏ lo lắng về an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin khi đưa hoạt động kinh doanh lên môi trường số, điều từng là khoảng trống trong quá trình chuyển đổi số của khối siêu nhỏ, nhỏ và cá thể. Những con số này cho thấy, nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, từ tập huấn kỹ năng, đơn giản hóa quy trình đến hỗ trợ tài chính thiết bị đầu vào… thì việc thực thi quy định về hóa đơn điện tử không chỉ chậm trễ, mà còn dễ làm nảy sinh tâm lý e ngại, thậm chí phản ứng ngược từ cộng đồng HKD. Nói cách khác, công nghệ có thể là “chìa khóa”, nhưng nếu không có người mở cửa, cánh cửa chuyển đổi số với HKD sẽ vẫn đóng kín.

Với góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng chính sách về bản chất là tích cực, giúp minh bạch hoạt động kinh doanh, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay nằm ở kỹ năng công nghệ của hộ kinh doanh. Ông Dũng phân tích, nhiều hộ kinh doanh quen làm sổ sách thủ công, chưa tiếp cận nhiều với máy móc hiện đại nên khi áp dụng hóa đơn điện tử, họ dễ rơi vào lúng túng, thậm chí phát sinh thêm chi phí thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin.

Từ đó, ông kiến nghị cần triển khai quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo lộ trình phân tầng, phù hợp quy mô và mức độ sẵn sàng của từng hộ kinh doanh. Nên ưu tiên triển khai trước tại các đô thị lớn, bắt đầu với hộ kinh doanh có quy mô lớn, sau đó mở rộng dần ra các nhóm còn lại.

Ông Trần Quốc Khánh, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thường trực Hội đồng tư vấn của Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế không chỉ là cuộc cách mạng của cơ quan thuế mà còn là của cả nền kinh tế, đã là cuộc cách mạng thì sẽ gây ra tác động to lớn mà đối tượng của tác động này là HKD. Do vậy, ông Trần Quốc Khánh đề nghị, việc triển khai hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế cần được thực hiện trên tinh thần giáo dục, hỗ trợ, cảm thông, kiến tạo và không làm trầm trọng hóa vấn đề. Khi có sai sót, băn khoăn thì cần giải thích cho các hộ, giúp HKD an tâm cởi mở, từ đó đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Ngọc Ánh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/go-kho-cho-ho-kinh-doanh-su-dung-hoa-don-dien-tu-ket-noi-du-lieu-voi-co-quan-thue-167121.html