Gỡ khó đầu ra cho sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần giúp các làng nghề phát triển sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa ra thị trường tiêu thụ lại không dễ dàng. Để khắc phục vấn đề này đòi hỏi cần xây dựng mối liên kết giữa nhà sản xuất với đơn vị bán lẻ.
Khó đầu ra
Hiện cả nước có hơn 13.368 sản phẩm OCOP của 59 tỉnh, thành đã được đánh giá, phân hạng, trong đó Hà Nội có đến 2.711 sản phẩm. Mặc dù chương trình OCOP đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng miền nhưng việc tiêu thụ lại không hề dễ dàng. Nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết giữa sản xuất với phân phối để tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thụy Lâm (Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho hay, xã Thụy Lâm hiện có 570 ha trồng lúa nếp cái hoa vàng, chiếm 98% diện tích trồng lúa của địa phương. Sản phẩm đã được TP Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nhưng đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào thị trường tự do nên sức tiêu thụ không ổn định.
Tương tự, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân than thở, đơn vị có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP Hà Nội, tuy nhiên việc đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng.
“Doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm đưa hàng những siêu thị quy mô lớn như Big C, Mega Maket… mới được duyệt. Ngoài ra chi phí mở mã hàng khá lớn, nhưng siêu thị đều yêu cầu bán ký gửi hàng hóa khiến lượng vốn lưu động của doanh nghiệp thâm hụt ”- bà Thu nêu ví dụ.
Trong khi cơ sở sản xuất khó tìm được đầu ra cho sản phẩm thì người tiêu dùng lại khó tiếp cận sản phẩm OCOP. Chị Nguyễn Thị Thanh, ở ngõ 85 Nguyễn Lượng Bằng (Đống Đa) than phiền, trước đây chị được bạn bè tặng sản phẩm trà xạ đen MD Queens dùng để bồi bổ sức khỏe, nhưng hiện muốn tìm mua loại sản phẩm này rất khó khăn vì ở siêu thị không có. Vì vậy, mỗi khi cần dùng đều phải nhờ người nhà mua giúp rồi chuyển ship rất phiền phức.
Trong khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa gặp được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ. Theo Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, siêu thị có bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên kiểm tra bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... được đưa vào bày bán tại siêu thị. Thế nhưng một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP chưa nắm được quy định nên chưa đáp ứng yêu cầu cung ứng hàng cho doanh nghiệp bán lẻ.Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.
Phân tích nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú chia sẻ, đa phần đối tượng sản xuất sản phẩm OCOP quy mô nhỏ và rất nhỏ khiến tính ổn định về chất lượng sản phẩm, năng lực xúc tiến thương mại còn yếu.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP tại các địa phương chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù cho nên chất lượng, giá trị sản phẩm chưa cao. Ðặc biệt, việc sự liên kết tiêu thụ sản phẩm trong cùng một địa phương cũng như giữa các tỉnh, thành còn rời rạc.
Cần tạo cầu nối ra thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, để tiêu thụ sản phẩm OCOP đòi hỏi cơ quan quản lý tạo ra cầu nối giữa người sản xuất với nhà bán lẻ. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu chia sẻ, hiện vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời chủ thể OCOP phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý Nhà nước.
Thông tin về việc hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ, Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C/GO khu vực Hà Nội và miền Bắc Lê Mạnh Phong cho biết, Big C cử nhân viên về các địa phương tìm kiếm sản phẩm đặc trưng; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị... Hiện nay, Big C có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân và hợp tác xã với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND TP Hà Nội đã Kế hoạch phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội năm 2024. Cụ thể, trong năm 2024, Hà Nội sẽ phát triển 10-20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời tổ chức hoạt động giới thiệu, kết nối sản phẩm vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, hiện nay quận Tây Hồ đã có 36 sản phẩm OCOP chất lượng. Việc phát triển và quảng bá các sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế của quận theo hướng lồng ghép xây dựng sản phẩm gắn với du lịch, qua đó làm phong phú cho chương trình du lịch, nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh nêu rõ, thời gian qua TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động trên 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó có trên 20 điểm gắn với du lịch, làng nghề.
Việc nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ của thành phố, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng với những sản phẩm OCOP uy tín đã được đánh giá, phân hạng… Thời gian tới, ngành công thương Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống điểm giới thiệu tiêu thụ sản phẩm OCOP. Cùng với đó tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/go-kho-dau-ra-cho-san-pham-ocop.html