Gỡ khó Nghị định 70, đề xuất không hồi tố truy thu thuế hộ kinh doanh

Kết quả khảo sát cho thấy sau khi Nghị định 70 có hiệu lực, giảm quy mô là lựa chọn phổ biến nhất (63%), cho thấy đa số các hộ sẽ cố gắng duy trì hoạt động nhưng thu hẹp lại để đối phó với khó khăn.

63% hộ kinh doanh giảm quy mô

Chiều 10/7, tại Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết một bước chuyển đáng chú ý trong quá trình minh bạch doanh thu, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch là sự ra đời của Nghị định 70/2025.

"Tuy nhiên, khi Nghị định 70 có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua, phản ánh từ các phương tiện truyền thông cho thấy có tình trạng một số hộ kinh doanh lúng túng, khi phải phải đầu tư trang thiết bị, phải học và thao tác trên các thiết bị công nghệ mới... ", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thậm chí, đã xuất hiện tâm lý lo lắng và hiểu sai chính sách, khi không ít hộ kinh doanh lo sợ rằng việc kê khai doanh thu thực tế sẽ làm tăng đột biến số thuế phải nộp so với hình thức thuế khoán trước đây.

"Sự thiếu thông tin và những tin đồn thất thiệt đã dẫn đến các phản ứng tiêu cực như tạm đóng cửa, hạn chế nhận chuyển khoản hoặc cố tình ghi sai nội dung giao dịch để né tránh…", đại diện VCCI nhận định.

Tại đây, ông Lương Xuân Dũng – Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng chia sẻ từ khi Nghị định 70 có hiệu lực, một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong ngành đã bắt đầu bộc lộ tâm lý e ngại. Có trường hợp dừng hoạt động, từ chối cung cấp thông tin hoặc ngừng giao dịch do chưa hiểu rõ các quy định mới.

Những khó khăn này chủ yếu đến từ việc hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, trình độ tiếp cận thông tin còn hạn chế và tâm lý lo lắng về thủ tục pháp lý. Điều đó đã ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất – tiêu dùng và làm giảm đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế.

Trình bày báo cáo đánh giá tác động của quy định, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết trong số 1.368 hộ kinh doanh cung cấp thông tin, có tới 94% đã biết tới Nghị định 70. Tuy nhiên, phần lớn các hộ kinh doanh có nhận thức ban đầu, nhưng có thể chưa sâu sắc hoặc chưa rõ ràng về nghĩa vụ này.

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Kết quả khảo sát cho thấy, giảm quy mô là lựa chọn phổ biến nhất (63%). Điều này cho thấy đa số các hộ sẽ cố gắng duy trì hoạt động nhưng thu hẹp lại để đối phó với khó khăn.

Tạm ngừng hoạt động là phương án dự kiến tiếp theo, với 23% hộ kinh doanh lựa chọn. Chuyển sang loại hình khác được 11% các hộ kinh doanh cân nhắc. Đồng thời có một tỉ lệ rất nhỏ, 3% các hộ kinh doanh, cho biết họ dự kiến sẽ đóng cửa hoàn toàn.

Theo đó, lo ngại lớn nhất của các hộ kinh doanh hiện nay là gánh nặng tài chính khi triển khai Nghị định 70. Nhiều hộ phản ánh lợi nhuận đang rất thấp, mức thuế 1,5% trên tổng doanh thu là quá cao, dễ dẫn đến thua lỗ.

Ngoài ra, chi phí đầu tư cho máy móc, phần mềm hóa đơn điện tử cũng là trở ngại lớn với các cửa hàng nhỏ. Việc xuất hóa đơn còn phức tạp, đặc biệt khi khách trả hàng hoặc không cung cấp thông tin cá nhân. Nhiều hộ không có hóa đơn đầu vào hợp lệ do mua hàng từ nông dân, thuê nhân công thời vụ... dẫn đến không được khấu trừ thuế.

Ông Thạch cũng cho biết nhiều người chưa hiểu rõ quy định, thiếu kỹ năng công nghệ, thiếu nhân lực và bị quá tải vì thủ tục hành chính. Tâm lý hoang mang, lo sợ bị phạt, buôn bán giảm sút khiến không ít hộ có nguy cơ đóng cửa.

Đề xuất không hồi tố truy thu thuế

Để Nghị định 70 thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, ông Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh việc giảm thiểu khó khăn và tăng cường hỗ trợ là yếu tố then chốt.

Ông kiến nghị cần tận dụng hiệu quả các kênh thông tin chính thống, đồng thời tăng cường tương tác, công khai hướng dẫn từ cơ quan thuế. Các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình và mạng xã hội cần được sử dụng một cách chiến lược để định hướng dư luận, trong đó kênh truyền miệng cũng nên được định hướng nhằm lan tỏa thông tin chính xác đến các hộ kinh doanh.

Ông Thạch cũng đề xuất tập trung vào các nhóm hộ đặc thù như hộ có doanh thu từ 1 tỷ đồng, hộ có quy mô lao động lớn và các hộ tạp hóa. Việc phối hợp chặt chẽ với các hội, hiệp hội nghề nghiệp sẽ giúp giảm mức độ lo ngại, tăng tính lan tỏa và phản hồi chính sách kịp thời.

Ngoài ra, ông kiến nghị nên có giai đoạn chuyển tiếp không xử phạt hành chính ít nhất 1 năm, không hồi tố truy thu thuế để hộ kinh doanh an tâm chuyển đổi. Cuối cùng, ông đề xuất miễn, giảm thuế trong giai đoạn đầu, và thiết kế chế độ kế toán, hóa đơn phù hợp với thực tiễn hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Tại đây, ông Lương Xuân Dũng kiến nghị cần triển khai theo lộ trình phù hợp, phân tầng đối tượng áp dụng dựa trên quy mô và mức độ sẵn sàng. Trước hết nên áp dụng với các doanh nghiệp lớn, sau đó mới mở rộng tới nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Ông Lương Xuân Dũng – Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)

Ông Lương Xuân Dũng – Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông, đào tạo tại cơ sở với tài liệu dễ hiểu, trực quan, đồng thời thiết lập các kênh hỗ trợ kỹ thuật như đường dây nóng hay tổng đài 24/7.

Đại diện VBA cũng đề xuất việc thí điểm chính sách tại một số địa phương để lắng nghe phản hồi từ thực tiễn, từ đó điều chỉnh quy mô, quy trình triển khai sao cho phù hợp. Ngoài ra, cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm kê khai thuế, nhằm tạo sự rõ ràng và thống nhất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, ông Lương Xuân Dũng đề xuất về việc Cục Thuế sớm ban hành văn bản không truy thu khoản thuế chênh lệch trong quá khứ, đây cũng là nguyên nhân chính khiến các hộ kinh doanh lo lắng, tạm ngừng kinh doanh.

Phạm Thị Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/go-kho-nghi-dinh-70-de-xuat-khong-hoi-to-truy-thu-thue-ho-kinh-doanh-204250710175221679.htm