Gỡ khó nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam

Khó khăn về nguồn cát san lấp đang làm ảnh hưởng đến các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để tháo gỡ khó khăn này, việc sử dụng cát biển để làm đường cao tốc đang được Chính phủ chỉ đạo để tập trung thực hiện.THIẾU 26 TRIỆU M3 CÁT

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ triển khai 16 dự án giao thông trọng điểm, được áp dụng chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền cho 16 dự án giao thông trong vùng khoảng 70 triệu m3, trong đó cát đắp trên 63 triệu m3. Đến nay đã xác định được nguồn cung 37 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa có nguồn.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện đã cơ bản xác định đủ nguồn cho Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Dự án thành phần 1 và 4 thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tuy nhiên, công suất khai thác ở các mỏ cát tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp còn rất thấp so với tiến độ Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đề ra. Cụ thể, tổng nhu cầu cát cho dự án này khoảng 18,5 triệu m3.

Đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã xác định nguồn cung và cấp bản xác nhận khối lượng khai thác 16/18,5 triệu m3, còn thiếu 2,98 triệu m3 (tỉnh An Giang 1 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long 1,98 triệu m3). Công suất khai thác trung bình hiện đạt khoảng 20.000 m3/ngày.

Trường hợp hoàn thành các thủ tục (khai thác 3 mỏ tại Vĩnh Long, 1 mỏ tại An Giang và nâng công suất 5 mỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp) để đưa tất cả các mỏ vào khai thác trong tháng 5-2024 thì công suất bình quân 42.000 m3/ngày.

Hiện các địa phương đã khai thác đưa về dự án được 5,3 triệu m3 (gồm cát thương mại). Để đảm bảo hoàn thành công tác gia tải tuyến chính, đến cuối tháng 8-2024 phải đưa về dự án thêm 9,6 triệu m3 cát.

ĐỊA PHƯƠNG CÒN E NGẠI TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÁT BIỂN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, hiện địa phương không có khả năng quản lý khai thác cát biển ngoài khơi. Từ đó, địa phương kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo giao cho lực lượng Cảnh sát biển là đơn vị quản lý đối với nguồn tài nguyên này.

Cũng theo đồng chí Trần Văn Lâu, vì nhiệm vụ chung, tỉnh Sóc Trăng cũng rất quyết liệt, quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo. Địa phương rất mong Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các bộ hết sức quan tâm, giúp đỡ để làm sao khi triển khai thực hiện khai thác cát biển đúng quy định pháp luật, tránh rủi ro về sau.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển, khu vực Cần Thơ không bị nhiễm mặn; nếu sử dụng cát biển có ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên hay không.

Địa phương kiến nghị Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng cát biển thay thế cát sông để không bị vướng mắc khi triển khai.

Tuy nhiên, công suất hiện tại chỉ đáp ứng thêm tối đa khoảng 4,3 triệu m3, còn thiếu khoảng 5,3 triệu m3. Do vậy, cần phải có giải pháp (cấp thêm mỏ mới, tăng công suất các mỏ) để bổ sung thêm công suất 49.000 m3/ngày.

Bên cạnh các dự án đã xác định được nguồn, một số dự án khác hiện vẫn chưa xác định đủ nguồn cung cấp vật liệu đắp như: Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh), Dự án thành phần 2, 3 thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Tổ công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã làm việc với các địa phương và dự kiến sử dụng các mỏ của tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Do đó, Bộ GTVT đề nghị các địa phương sớm thực hiện các thủ tục giao mỏ.

Bên cạnh đó, việc bổ sung mỏ và cho phép nâng công suất mỏ đáp ứng tiến độ thi công dự án của các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, đặc biệt là các dự án cần hoàn thành vào cuối năm 2025…

SỬ DỤNG CÁT BIỂN THAY CÁT SÔNG

Trước nguồn cát sông đang khan hiếm như hiện nay, việc sử dụng cát biển để làm vật liệu thay thế đã được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đến. Theo Bộ GTVT, hiện Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” và bàn giao kết quả cho UBND tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3.

Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đã xác định được nguồn cung cát đắp, nhưng vẫn thiếu do công suất khai thác của các mỏ cát không đáp ứng.

Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đã xác định được nguồn cung cát đắp, nhưng vẫn thiếu do công suất khai thác của các mỏ cát không đáp ứng.

Điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác. Về công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các chủ đầu tư kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Với ý kiến của các địa phương đưa ra về tình hình thiếu cát cung cứng Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (trục dọc), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (trục ngang), đường Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh)..., tại buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL vào chiều 11-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, để giải quyết nhu cầu về vật liệu cát còn thiếu, phương án trước hết là sử dụng cát biển.

Để đảm bảo công suất theo tiến độ thi công các công trình trọng điểm, Bộ GTVT đề nghị: Xem xét cấp thêm mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù để tăng công suất khai thác đủ cung ứng theo tiến độ thi công, sau khi khai thác đủ trữ lượng sẽ giao lại cho các địa phương quản lý hoặc cấp cho các dự án khác.

Ưu tiên điều chuyển một phần khối lượng cát (đã xác định được nguồn) từ các dự án có thời gian hoàn thành vào năm 2026 cho các dự án có yêu cầu hoàn thành sớm hơn, sau khi cấp đủ khối lượng, phần trữ lượng còn lại sẽ điều chuyển cho nhu cầu các dự án.

Để bảo vệ ĐBSCL, không thể dựa mãi vào cát sông, phải thay bằng cát biển. Cát biển cấp cho dự án cao tốc là nằm trong cơ chế đặc thù. Vì vậy, các địa phương có cát biển phải triển khai các thủ tục cung cấp mỏ cát biển phục vụ cho dự án cao tốc áp dụng theo cơ chế đặc thù.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các tỉnh rút ngắn thời gian cấp phép khai thác cát theo cơ chế đặc thù, không để chậm trễ nguồn vật liệu san lấp cho dự án. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền cho địa phương về nạo vét các tuyến sông, nhằm thực hiện thuận lợi lưu thông đường thủy.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong vấn đề cấp phép khai thác mỏ, chủ đầu tư, nhà đầu tư, người đi khai thác là những đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật. Nếu muốn kiểm tra, chúng ta phải yêu cầu họ cung cấp về thiết kế khai thác, công suất; nếu cần thiết có thể thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để giám sát. Chúng ta có thể hoàn toàn tính toán công suất một ngày khai thác được bao nhiêu m3 cát; nếu không rõ thì trao đổi với Bộ TN&MT để được hướng dẫn…

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202405/go-kho-nguon-vat-lieu-san-lap-cho-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-phia-nam-1010445/