Gỡ khó trong bàn giao các công trình lưới điện nông thôn

Trong số 53 công trình lưới điện nông thôn được Công ty Điện lực Hà Giang tiếp nhận, phối hợp kiểm tra từ đầu năm đến nay, chỉ có 27 công trình đủ điều kiện đóng điện; 26 công trình không đủ điều kiện, như hành lang chưa đảm bảo, trị số tiếp đất chưa đạt, khiếm khuyết kỹ thuật thi công...

Năm 2022, thôn Tràng Hương, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) được Nhà nước đầu tư hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng Nông thôn mới để triển khai dự án điện hạ thế 0,4kv. Bao năm sống trong cảnh đèn dầu tăm tối nên khi được Nhà nước đầu tư bà con rất vui, nhiều hộ tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dựng cột, kéo đường dây, lắp trạm biến áp. Năm 2023, dự án hoàn thành toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng, nhưng đến nay, 72 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao trong thôn vẫn dài cổ ngóng điện. Nhiều người bức xúc khi đã tự nguyện cắt một phần đất sản xuất, chặt cây trồng lâu năm cho đường điện chạy qua, nay cột, đường dây ngay trước cổng nhà, nhưng ánh sáng điện mãi không thấy đâu.

Trạm biến áp Bình Dương 2, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đã đầu tư xong nhưng chưa được bàn giao toàn bộ tài sản cho ngành điện. Ảnh: Tiến Chiến

Trạm biến áp Bình Dương 2, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đã đầu tư xong nhưng chưa được bàn giao toàn bộ tài sản cho ngành điện. Ảnh: Tiến Chiến

Tương tự, hiện 113 hộ dân thôn Chua Say và Séo Lủng, xã Vần Chải (Đồng Văn) vẫn chưa được thụ hưởng ánh sáng từ nguồn lưới điện quốc gia. Mặc dù trạm điện hạ thế 0,4kv đã xây dựng xong từ năm 2023, nhưng không hiểu sao ngành chức năng vẫn chưa đóng điện, còn người dân vẫn sống chung với đèn dầu, việc đầu tư phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn…

Các thôn trên chỉ là minh chứng nhỏ cho thấy những bất cập trong quá trình đầu tư, bàn giao, đưa vào sử dụng hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh. Khảo sát tại huyện Mèo Vạc cho thấy, có 12 công trình điện nông thôn xây dựng xong năm 2022 - 2023 nhưng đến nay mới chỉ bàn giao được 8 công trình, số còn lại vẫn đang vướng thủ tục thu hồi đất, hành lang an toàn lưới điện và hồ sơ pháp lý dự án. Còn tại huyện Đồng Văn, trong giai đoạn 2013 – 2021 được đầu tư 19 công trình điện thì có 6 công trình chưa đủ điều kiện bàn giao cho ngành điện; 8 công trình xây dựng xong năm 2020 – 2021 đã hoàn thiện hồ sơ nhưng cũng chưa bàn giao, 5 công trình đang chờ Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận, vận hành, quản lý.

Nhiều công trình điện đã đủ điều kiện để đóng điện. Trong ảnh: Điện lưới quốc gia đã về với người dân thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Ảnh: PV

Nhiều công trình điện đã đủ điều kiện để đóng điện. Trong ảnh: Điện lưới quốc gia đã về với người dân thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Ảnh: PV

Thực hiện mục tiêu xóa thôn, bản “trắng” về điện, hiện trên địa bàn các thôn biên giới cơ bản đang được triển khai xây dựng các công trình điện, đảm bảo tiến độ, đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết XVII Đảng bộ tỉnh đến năm 2025 có 100% thôn, bản biên giới có điện đạt tiêu chí Nông thôn mới. Đối với các thôn, bản nội địa, UBND tỉnh đã triển khai lập và phê duyệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, sử dụng ngân sách T.Ư với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, cấp điện cho khoảng 23 nghìn hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 157 công trình lưới điện đã hoàn thành cấp điện cho nhân dân và đang đầu tư xây dựng, trong đó: 19 công trình đã đưa vào vận hành cấp điện; 54 công trình hoàn thành thi công 100% nhưng chưa nghiệm thu đóng điện và 84 công trình đang đầu tư xây dựng. Trong số 157 công trình trên, có 31 công trình thuộc Công ty Điện lực Hà Giang đầu tư, xây dựng không thuộc diện phải bàn giao; còn lại 126 công trình do UBND các huyện và Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao tài sản theo quy định của Chính phủ.

Từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực Hà Giang đã tiếp nhận kiểm tra, phối hợp với chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu kỹ thuật 53 công trình điện. Trong đó, chỉ có 27 công trình đủ điều kiện đóng điện; 26 công trình chưa đủ điều kiện do hành lang chưa đảm bảo, trị số tiếp đất chưa đạt, các khiếm khuyết kỹ thuật trong quá trình thi công chưa xử lý xong, thiếu hồ sơ về cấp đất. Khắc phục những khó khăn trên, Công ty Điện lực Hà Giang đã chủ động làm việc với các chủ đầu tư nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ pháp lý, tư vấn các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành của Nhà nước; phối hợp kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật tại hiện trường, cùng tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thi công, nghiệm thu đóng điện.

Đối với những công trình khi kiểm tra thực tế chưa đủ điều kiện đóng điện, như hành lang chưa đảm bảo, trị số nối đất chưa đạt, có khiếm khuyết kỹ thuật trong thi công nhưng công tác khắc phục chậm, dẫn đến kéo dài thời gian đóng điện, đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu khẩn trương khắc phục để sớm đóng điện phục vụ nhân dân. Đồng thời, các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Điện lực Hà Giang ngay từ những bước đầu tiên, như: Tư vấn thiết kế, thỏa thuận đấu nối, hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu kỹ thuật, đóng điện công trình… ông Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang nhấn mạnh.

TIẾN CHIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202406/go-kho-trong-ban-giao-cac-cong-trinh-luoi-dien-nong-thon-14f5438/