Gỡ khó trong phát triển làng nghề ở Yên Lập

Thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022 – 2030, thời gian qua, huyện Yên Lập đã ưu tiên tập trung phát triển các ngành nghề có tiềm năng, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên đến nay, việc phát triển làng nghề trên địa bàn huyện vẫn gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ.

Với mong muốn phát triển nhiều làng nghề, làng có nghề để tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất các ngành nghề nông thôn. Thế nhưng, sau nhiều năm khuyến khích thực hiện, đến nay trên địa bàn huyện vẫn chỉ có duy nhất làng nghề sinh vật cảnh Trung Ngãi được công nhận làng nghề. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, thị trường cây cảnh “ảm đạm”, giá tất cả các loại cây đều giảm vì thế hoạt động của làng nghề không còn nhộn nhịp như trước, nhiều hộ cũng chuyển hướng sang trồng những giống cây khác mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhiều cây cảnh của các hộ trong làng nghề sinh vật cảnh Trung Ngãi có tuổi đời lâu năm và được tạo dáng tỉ mỉ.

Nhiều cây cảnh của các hộ trong làng nghề sinh vật cảnh Trung Ngãi có tuổi đời lâu năm và được tạo dáng tỉ mỉ.

Ông Hoàng Nhân – Trưởng làng nghề sinh vật cảnh Trung Ngãi chia sẻ: “Hiện làng nghề chỉ còn 68 thành viên, trong đó, quy mô sản xuất từ 500m2 - 1.000m2 có 35 hộ, còn lại là các hộ có quy mô sản xuất từ 200m2 - 500m2, tổng thu nhập của làng nghề chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng/năm. Mong muốn của chúng tôi là sớm chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, duy trì, phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới để mang lại hiệu quả tốt nhất và giữ được làng nghề truyền thống”.

Trước đó, giai đoạn năm 2016 - 2020, huyện đã quy hoạch xây dựng làng nghề sản xuất, chế biến chè Lương Sơn tại xã Lương Sơn, dựa trên cơ sở đã hình thành của Hợp tác xã (HTX) Chè Lương Sơn nhưng do mức độ sản xuất nhỏ, người dân chủ yếu bán sản phẩm chè cho lái buôn, chưa đồng tâm bán chè cho HTX nên làng nghề sản xuất và chế biến chè Lương Sơn dần bị thu hẹp. Ngoài ra một số ngành nghề khác như: Nghề thủ công, làm mộc, làm ang chậu, sản xuất kinh doanh gạch xây dựng... các sản phẩm của các hộ sản xuất còn đơn điệu, chưa đảm bảo tiêu chí đề nghị công nhận làng nghề vì thế đến nay vẫn chưa thực hiện xây dựng được làng nghề sản xuất, chế biến chè tại xã Lương Sơn và xây dựng các làng nghề mới.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong quá trình triển khai thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn có nhiều khó khăn, bất cập được đặt ra, cụ thể là các điểm sản xuất trên địa bàn cách xa nhau, manh mún, tự phát, diện tích, số lượng nhỏ lẻ nên khó có thể tập trung quy mô để phát triển thành vùng sản xuất, làng nghề. Hơn nữa, do thị trường bấp bênh, đầu ra không ổn định nên người dân còn e ngại, chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới sản xuất kinh doanh, nhiều người trông chờ và kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước quá cao, khó có thể đáp ứng được. Hệ thống liên kết các ngành trong làng nghề chưa chặt chẽ, còn rời rạc và manh mún, chủ yếu mang tính chất cá nhân. Bên cạnh những hộ tham gia làng nghề tâm huyết, còn một bộ phận làm theo phong trào, tự phát, khi gặp khó khăn thì chùn bước, chán nản.

Người dân xã Trung Sơn - địa phương được lựa chọn để phát triển làng nghề thu hoạch, vận chuyển quế đi tiêu thụ

Người dân xã Trung Sơn - địa phương được lựa chọn để phát triển làng nghề thu hoạch, vận chuyển quế đi tiêu thụ

Đồng chí Đinh Thị Thúy Hường – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Phòng Nông nghiệp huyện đã và đang phối hợp các bộ phận liên quan, cùng với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung quy hoạch phát triển làng nghề, các chính sách cho làng nghề, lợi ích có được khi tham gia làng nghề, đồng thời đẩy mạnh tập huấn, phổ biến kiến thức khoa học, kĩ thuật tới người dân, từ đó áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng. Theo dự kiến, phấn đấu đến hết năm 2025 huyện sẽ phát triển được 2 làng nghề mới là làng làng nghề trồng, chế biến măng gầy và làng nghề trồng, chế biến cây quế tại xã Trung Sơn”.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển làng nghề trên địa bàn hiện nay, huyện Yên Lập cần có những biện pháp lâu dài để thúc đẩy thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề hàng năm gắn với triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng và phát triển làng nghề, có cơ chế hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân cấy nghề ở các làng có nghề góp phần tích cực trong bảo tồn nghề truyền thống, ra đời những làng nghề mới, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/go-kho-trong-phat-trien-lang-nghe-o-yen-lap-212913.htm