Gỡ rào cản hành chính, thúc đẩy kinh doanh nền tảng

Kinh doanh nền tảng đang thúc đẩy kinh tế số Việt Nam, đóng góp lớn vào GDP và tạo nhiều việc làm. Để phát huy tiềm năng, cần giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cấp phép cho dịch vụ công nghệ mới.

Báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại hội thảo “Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam” sáng ngày 19/2 cho thấy, chuyển đổi số và ứng dụng số đang trở thành xu hướng trong phát triển kinh tế. Trong đó, kinh doanh nền tảng (Platform) là một mô hình kinh doanh mới, phát triển dựa trên công nghệ số, dữ liệu và hỗ trợ nền tảng, giúp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí.

Vì thế, kinh tế nền tảng đang là ưu tiên của các chính phủ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là xu thế không thể đảo ngược.

Hơn một thập kỷ qua, mô hình kinh doanh nền tảng phát triển mạnh mẽ và thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tại Việt Nam đã chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của rất nhiều ứng dụng nền tảng số, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, bán lẻ, y tế, giáo dục, ngân hàng, tài chính.

Hội thảo "Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam”.

Nhận diện các tác động kinh tế của hoạt động kinh doanh nền tảng, báo cáo của CIEM cho rằng, Việt Nam có tiềm năng thị trường lớn cho phát triển kinh tế số. Tỷ lệ sử dụng internet cao và tăng nhanh, cùng tỷ trọng lớn của nhóm dân số ưa chuộng sử dụng các dịch vụ nền tảng dự kiến sẽ thúc đẩy xu hướng hoạt động kinh doanh này ở Việt Nam.

Kinh tế số ở Việt Nam liên tục tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,7%, 12,9% 12,6% và 12,3%.

Trong nửa đầu năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 18,3%, vượt cao hơn tỷ lệ trung bình giai đoạn 2020-2023. Đây sẽ là động lực để Việt Nam thực hiện mục tiêu về tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều hoạt động kinh doanh nền tảng. Ngành này đóng góp khoảng 10% trong GDP. Riêng kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực vận tải chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế (năm 2022).

Đặc biệt, đối với hai vùng trọng điểm phát triển của Việt Nam là vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, dịch vụ kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đóng góp tương ứng lần lượt là 2,7% và 2,3% GRDP (tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ) của hai vùng này.

Kinh doanh nền tảng phát triển sẽ kéo theo tăng trưởng của các ngành cung ứng. Sản phẩm cuối cùng ngành nền tảng lan tỏa đến giá trị tăng thêm và thu nhập của nền kinh tế lần lượt ở mức 1,2 và 1,3. Cả hai hệ số lan tỏa này đều cao hơn mức trung bình của nền kinh tế (giá trị tăng thêm ở mức 1).

“Với 1 tỷ USD tăng thêm về sản phẩm cuối cùng của ngành nền tảng sẽ tác động tới nền kinh tế theo cấp số nhân. Cụ thể là làm tăng sản lượng của toàn nền kinh tế lên 2,7 tỷ USD; kích thích giá trị tăng thêm của nền kinh tế gần 1,2 tỷ USD; tạo ra 93.734 cơ hội việc làm; tăng thu nhập của người lao động trong nền kinh tế thêm 0,7 tỷ USD”, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng phân tích trường hợp điển hình về phát triển kinh doanh nền tảng, ví dụ như Grab trong lĩnh vực vận tải. Đây là một mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ, là nền tảng phổ biến được ưa chuộng ở Việt Nam.

Tư duy quản lý và hệ thống pháp luật cũng dần được đổi mới để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế nền tảng. Kinh tế nền tảng nói riêng sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.

Báo cáo khuyến nghị, để tạo động lực phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh doanh nền tảng và kinh tế số, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính. Đặc biệt là rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới.

Đồng thời, cần có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) cho khung khổ chính sách phát triển công nghệ thời gian tới.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/go-rao-can-hanh-chinh-thuc-day-kinh-doanh-nen-tang/20250219093858865