Góc nhìn giáo dục: Lạm thu, lạm thu, lại... lạm thu

Tình trạng lạm thu vào đầu năm học mới là chuyện 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hầu như năm nào cũng ra văn bản chỉ thị nhắc nhở các cơ sở giáo dục chỉ thu đúng, thu đủ các khoản theo quy định, tuyệt đối không phát sinh các khoản thu khác đối với học sinh. Nhưng tiếc thay, việc lạm thu mỗi năm lại biến tướng tinh vi, khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu và dư luận xã hội bức xúc.

Tiếng trống khai trường vừa dứt, niềm hân hoan trong những ngày đầu năm học mới của thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Thanh Miện III (tỉnh Hải Dương) bỗng chốc trở nên “ngậm ngùi” vì dư luận ồn ào về một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 của trường này đã đưa ra bảng kê bao gồm 21 khoản thu, với tổng số tiền dự kiến thu mỗi học sinh là hơn 8,7 triệu đồng.

Trong đó, có nhiều khoản thu được coi là không hợp lý như tiền ghế ngồi, tiền xã hội hóa, tiền khảo sát, tiền kiểm tra chung... Nếu giả sử thu đủ, lớp có 40 học sinh thì tổng số thu lên tới gần 350 triệu đồng. Đây là một con số không hề nhỏ. Sau khi vụ việc bị phát hiện, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh và lãnh đạo nhà trường đã kịp thời chấn chỉnh cá nhân sai phạm.

Tại sao tình trạng lạm thu tồn tại dai dẳng từ năm này qua năm khác, bất chấp sự cảnh tỉnh, chấn chỉnh của các cơ quan chức năng và sự phê phán mạnh mẽ của công luận? Nguyên nhân được chỉ ra nào là do nguồn lực đầu tư cho cơ sở giáo dục còn hạn chế, do lương giáo viên “còn thấp, chưa đủ sống”, do nhà trường cần được thường xuyên tu bổ, nâng cấp, làm đẹp cảnh quan môi trường nên phải “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục”... Những cái đó được gọi là “nguyên nhân khách quan”.

Còn nguyên nhân chủ quan thì sao? Nói theo văn vẻ thì đó là sự thiếu trung thực, liêm chính, minh bạch của một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; còn nói thẳng ra là họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của nhà giáo để lạm thu, lợi dụng tình cảm, niềm tin của cha mẹ học sinh để trục lợi.

Mỗi năm học của bậc phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) đều tổ chức tối thiểu 2 lần họp phụ huynh. Vấn đề trọng tâm nhất của bất cứ buổi họp phụ huynh nào mà ai cũng biết và không ít người tỏ vẻ ấm ức khi phải “tự nguyện giơ tay đồng ý” hay phải “tự nguyện ký văn bản thỏa thuận” đóng góp các khoản phí do giáo viên chủ nhiệm lớp và ban phụ huynh đưa ra.

Hầu hết các bậc phụ huynh đều ngầm ý hiểu rằng, có nhiều khoản thu ngoài quy định, nhưng phần vì tâm lý cả nể, phần vì lo sợ giáo viên phật ý khi bản thân nêu ý kiến phản biện sẽ bất lợi cho con em mình trong quá trình học tập ở lớp, nên đành phải “tự nguyện nhất trí” trong tâm trạng “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Thực chất, việc lạm thu này có căn nguyên sâu xa là một bộ phận giáo viên đã lạm dụng quyền lực nhà giáo để “tác động mềm” buộc cha mẹ học sinh phải tuân theo “luật chơi” của họ. Biết sự phi lý này mà không dám lên tiếng bởi bất cứ phụ huynh nào cũng muốn con em mình được “yên thân” trong con mắt của giáo viên chủ nhiệm!

Nhà trường, nhà giáo ở đâu, bao giờ cũng dạy học sinh phải đề cao, thể hiện đức tính trung thực ở mọi lúc mọi nơi, bởi đó là phẩm giá quan trọng hàng đầu của một nhân cách chân chính. Vậy nên, mong sao các nhà trường, nhà giáo cũng phải trung thực với chính mình để dư luận không còn râm ran câu ta thán trong đầu năm học mới: “Lạm thu, lạm thu, lại... lạm thu”!

NGÔ DƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-lam-thu-lam-thu-lai-lam-thu-743167