Góc nhìn giáo dục: Năng khiếu thôi chưa đủ
Thông tin nữ vận động viên (VĐV) bơi lội hàng đầu Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên vừa giành giải Nhất tại Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc về lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) thu hút sự quan tâm của truyền thông và truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho nhiều bạn trẻ, nhất là những VĐV trẻ.
Với đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp nhằm nâng cao hứng thú khi luyện tập môn bơi lội cho trẻ em 8-10 tuổi”, Ánh Viên mong muốn đưa những nghiên cứu của mình áp dụng vào thực tiễn trong công việc dạy bơi cho các em nhỏ, từ đó tạo ra phong trào yêu thích hoạt động bơi lội, góp phần giảm đuối nước cho các cháu.
Ca sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nghệ danh Tân Nhàn) cũng khiến nhiều người yêu nhạc ngưỡng mộ bởi cô không chỉ thành danh với dòng nhạc dân gian mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Đào tạo giọng soprano Việt Nam chất lượng cao” năm 2019.
Thông qua luận án này, ca sĩ Tân Nhàn (hiện là Phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) hy vọng sẽ chuyển tải những kiến thức cơ bản về âm nhạc đỉnh cao nhằm góp phần đào tạo nhiều ca sĩ làm chủ được soprano-một loại giọng hát nữ có âm vực cao nhất trong tất cả các loại giọng.
Ở tuổi 27, VĐV Ánh Viên giành giải Nhất Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc ở lĩnh vực TDTT; ở tuổi 37, ca sĩ Tân Nhàn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Có thể nói, đây là hai tấm gương đáng để các chị em hoạt động trong lĩnh vực thể thao, âm nhạc học tập về tinh thần vượt khó, nỗ lực học hành đến nơi đến chốn để có vốn liếng tri thức dày dặn, tiếp tục cống hiến nhiều hơn trong lĩnh vực hoạt động của mình và nói rộng ra là cống hiến nhiều hơn cho đất nước, xã hội.
Một thời cách đây chưa xa, tâm lý xã hội và nhận thức của một bộ phận cộng đồng có cái nhìn chưa thiện cảm (nếu không muốn nói là có sự định kiến vô lý) khi nói về VĐV và ca sĩ. Với những người theo đuổi nghề thể thao thì bị coi là “vai u thịt bắp”, “to giò bóng đá, hóp má điền kinh…”. Với những người gắn bó với ca hát thì dễ bị gắn cái mác là “xướng ca vô loài”, “son phấn lòe loẹt”. Tất nhiên, cái nhìn thiển cận, thiếu nhân văn này dù cơ bản không nặng nề như trước nhưng chưa hẳn đã chấm dứt hoàn toàn trong xã hội.
Trong khi đó, cũng có một thực tế là một bộ phận VĐV, ca sĩ sau khi thành danh trên các đấu trường thể thao và trên các sân khấu âm nhạc đã không chủ động, tích cực, miệt mài theo đuổi con đường học hành, đào tạo cơ bản ở trường lớp chính quy, do đó, tài năng dần bị mai một theo năm tháng và tên tuổi từ đó cũng dễ bị “chìm” theo thời gian.
Một danh nhân thế giới từng đúc kết: Thành công là do 99% khổ luyện, học hành chăm chỉ và chỉ có 1% là do trời phú. Người Việt ta có câu châm ngôn “Miệng ăn núi lở”. Suy rộng ra từ câu nói này, dù ai có năng khiếu, tài năng thiên bẩm đến mấy nhưng nếu không chịu học tập tu dưỡng, bồi đắp tri thức thì cũng sẽ bị cùn mòn; mà muốn tồn tại, phát triển lâu dài, bền vững thì phải kiên trì rèn luyện, miệt mài học tập để có lượng kiến thức sâu rộng về văn hóa-tri thức-chuyên môn nghiệp vụ. Phương châm “Học, học nữa, học mãi” sẽ không bao giờ cũ, không bao giờ thừa đối với mọi người, mọi thành phần trong xã hội, nhất là trong thời đại văn minh hiện nay.
Từ câu chuyện nêu trên, thiết nghĩ các nhà giáo dục và nhà quản lý cần có chiến lược bài bản trong việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ tương xứng để các tài năng trong những lĩnh vực thể thao, âm nhạc tiếp tục có cơ hội được cống hiến, trưởng thành, đóng góp công lao, thành tích nhiều hơn nữa cho ngành, cho đất nước.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-nang-khieu-thoi-chua-du-729534