Góc nhìn hôm nay: Khung pháp lý nào cho thị trường 120 tỷ USD?

Theo báo cáo từ một công ty tư vấn quản trị toàn cầu, giá trị thị trường tài sản số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 16.100 tỉ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ước tính khoảng 30%. Còn theo một khảo sát tại Việt Nam, hiện có khoảng 10 triệu người sở hữu tài sản số, xếp thứ 7 toàn cầu về tỷ lệ người dùng, cho thấy nhu cầu và tiềm năng phát triển to lớn loại tài sản này.

Có thể nói, tài sản số là một loại tài sản mới được phát sinh trong bối cảnh công nghệ phát triển và đồng tiền Bitcoin là 1 ví dụ điển hình nhất. Tuy nhiên, trước tính chất và sự phát triển mới mẻ này mà nhiều quốc gia đang loay hoay trong việc công nhận giá trị thực của đồng tiền ảo này. Trước khi đến với cuộc tọa đàm ngày hôm nay, mời QV cùng đến với 1 video clip tóm lược về những bước đầu hoàn thiện pháp lý cho tài sản số.

Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (nghĩa là 21% dân số Việt Nam sở hữu) chỉ sau UAE và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này còn "mong manh" đòi hỏi cần khẩn trương hoàn thiện các quy định bảo đảm khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ phát triển cũng như hoàn thành đầy đủ trách nhiệm về thuế.

Nối tiếp Quyết định 194 ngày 23-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã trở thành dấu mốc quan trọng trong việc định hình khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam. Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc quy định về tài sản số trong Luật là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng. Trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Thu Quỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-khung-phap-ly-nao-cho-thi-truong-120-ty-usd-244527.htm