Góc nhìn nghị trường: Ươm mầm say mê nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) bày tỏ quan ngại về nguy cơ loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống ngày càng mai một; mong muốn có giải pháp duy trì và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa dân tộc này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quốc Quân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Đây không phải là việc đơn giản. Thời gian tới, chúng ta cần tập trung phát triển loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, có chính sách riêng và không nên thực hiện tự chủ để phát triển loại hình nghệ thuật này.

Quả là nếu cứ nhìn vào tần suất xuất hiện trên truyền hình và các nền tảng trực tuyến thì sẽ thấy rất rõ loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của chúng ta đang cực kỳ lép vế trước sự đổ bộ ồ ạt của các sản phẩm nghệ thuật đương đại thế giới và trong nước. Tần suất xuất hiện đã thấp, tỷ lệ người xem lại càng thấp, dẫn tới loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống càng ngày càng bị co cụm trên mọi phương diện.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Thực tế hiện nay, diễn viên, người biểu diễn và người làm việc trong các đơn vị nghệ thuật biểu diễn vẫn được biên chế là công chức, viên chức nhà nước. Ngoài được hưởng lương như cán bộ, công chức, viên chức thông thường khác, diễn viên, người biểu diễn, người làm việc trong các đơn vị nghệ thuật biểu diễn cũng đã nhận được sự quan tâm rất lớn thông qua các chính sách ưu đãi rất đặc biệt, như chế độ phụ cấp nghề nghiệp, chế độ bồi dưỡng luyện tập, chế độ bồi dưỡng biểu diễn... Chế độ này nên được duy trì.

Cơ chế tự chủ tài chính chỉ nên áp dụng với những đơn vị có khả năng duy trì nguồn thu dồi dào từ hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Với thực trạng các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống ít nhận được sự quan tâm của công chúng như hiện nay, nếu cứ thẳng tay "ném" cho mọi đơn vị biểu diễn "tự bơi" với cái mác "tự chủ" như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, chắc chắn các đơn vị này sẽ rất khó tồn tại và phát triển. Như vậy, mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta sẽ thất bại.

Về lâu dài, chúng ta cần có những giải pháp mang tính chiến lược hơn. Trong đó, quan trọng nhất là chúng ta cần sớm đưa các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào các trường học trong các hoạt động sinh hoạt tập thể, dịp kỷ niệm các ngày lễ trong năm. Đây là cách tốt nhất để ươm mầm say mê với nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ ngay từ giai đoạn trẻ em đang hình thành các xu hướng thưởng thức nghệ thuật. Điều này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành giáo dục với ngành văn hóa.

Chỉ khi chúng ta thẩm thấu được giá trị của nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào giới trẻ thì loại hình nghệ thuật này mới có "đất" để tồn tại và phát triển.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-uom-mam-say-me-nghe-thuat-truyen-thong-cho-gioi-tre-780030