GÓC NHÌN: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ EM KHI THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ - NHÌN TỪ DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề ra một số chính sách bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Liên quan tới nội dung này, Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về 'Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ - Nhìn từ dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ'.

GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN CƠ CHẾ BẦU CỬ NHẰM NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VÀ BẢO ĐẢM TỐT HƠN QUYỀN BẦU CỬ CỦA NHÂN DÂN

Thấm nhuần lời dạy “vì lợi ích trăm năm trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng ta về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được thể hiện nhất quán và đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu trong suốt tiến trình cách mạng, được ghi nhận cụ thể trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược phát triển con người Việt Nam, coi đây là trách nhiệm to lớn đối với thế hệ tương lai, đối với tiền đồ của dân tộc. Xuyên suốt các văn bản chỉ đạo của Đảng là quan điểm thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và các mối quan hệ xã hội. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để hình thành hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em, tôn trọng, bảo đảm và thực thi các quyền trẻ em tại Việt Nam.

Kế thừa nền tảng chính trị, pháp lý của các giai đoạn trước đây, Luật Trẻ em 2016 đã đề ra ba cấp độ bảo vệ trẻ em, bao gồm: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trong đó, Điều 48 Luật Trẻ em quy định "Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt". Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, đề ra Chỉ tiêu 11: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 500/100.000 vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống còn 16/100.000 trẻ em vào năm 2025 và xuống còn 15/100.000 vào năm 2030. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 Phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu Giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em: hằng năm giảm 5 - 10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ.

Chính sách của Đảng ta về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được thể hiện nhất quán.

Chính sách của Đảng ta về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được thể hiện nhất quán.

Để có thể triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, các mục tiêu,chỉ tiêu về giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn, thương tích khi tham gia giao thông đường bộ, ngoài các biện pháp phòng ngừa khác như tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông đường bộ cho cha mẹ và trẻ em, nhân rộng các mô hình an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em, mô hình cổng trường an toàn, các mô hình can thiệp giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em tại khu vực có tập trung đông trẻ em... thì việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em trong giao thông đường bộ là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề ra một số chính sách bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể là:

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo: chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an trong việc tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học (Điều 6)

Về quy tắc an toàn của trẻ em trên ô tô: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật) (Điều 9).

Về trách nhiệm của người đi bộ với trẻ em tham gia giao thông: Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường (Điều 29).

Ấn phẩm tuyên truyền an toàn giao thông.

Ấn phẩm tuyên truyền an toàn giao thông.

Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh (Điều 46): Xe đưa đón học sinh được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh, đồng thời:

1. Phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện; xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

2. Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô.

3. Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh và chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình bảo đảm an toàn giao thông.

Về cơ bản, đây là những quy định mới, rất tiến bộ, là một bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ trẻ em trong hệ thống pháp luật nước ta. Với những quy định này, trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn, được phòng ngừa tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương tích khi tham gia giao thông đường bộ.

Đặc biệt, là lần đầu tiên pháp luật đã quy định riêng để quản lý chặt chẽ hơn về hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường. Hiện nay, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô đang được điều chỉnh bằng Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng thông thường, theo đó, xe ô tô phải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải; được cấp phù hiệu, gắn thiết bị giám sát hành trình. Trên thực tế, do nhu cầu của người dân, dịch vụ vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô phát triển, phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã tồn tại không ít bất cập như: dịch vụ đưa đón học sinh vẫn còn tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm trong việc đưa đón học sinh ... Chính vì vậy, việc đặt ra những quy định về quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, điều kiện ưu tiên ... để khuyến khích phát triển đối với loại hình dịch vụ này là rất cần thiết nhằm tăng cường bảo đảm an toàn cho trẻ em sau giờ học, giảm bớt nguy cơ trẻ em bị tai nạn, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường sau giờ học, bên ngoài phạm vi quản lý của các nhà trường.

Xe đưa, đón học sinh tại một điểm trường ở Hà Nội.

Xe đưa, đón học sinh tại một điểm trường ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ an toàn cho trẻ em, cụ thể là:

Thứ nhất, về quy định trẻ em phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô (Điều 9). Dự thảo Luật đang quy định trẻ dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, quy định về thiết bị an toàn cho trẻ cần phải dùng cho trẻ đến 10 tuổi hoặc chiều cao từ 135cm trở xuống. Đã có đến 96 quốc gia nội luật hóa quy định này và hầu hết ở mức 10 tuổi hoặc chiều cao 135cm trở xuống. Nhiều quốc gia ở châu Âu đã đưa tiêu chuẩn này lên mức 12 tuổi hoặc 150cm. Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á: từ năm 2011, Singapore quy định trẻ em dưới 135cm ngồi trên ô tô phải sử dụng thiết bị theo tiêu chuẩn và có thể cho phép ngồi cùng hàng ghế với lái xe nếu dùng thiết bị theo tiêu chuẩn. Năm 2019, Philippines đã quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 150cm bắt buộc phải dùng thiết bị an toàn phù hợp với độ tuổi và chiều cao của trẻ và quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe. Tại Thái Lan, từ tháng 8/2022 pháp luật quy định trẻ em dưới 6 tuổi hoặc dưới 135cm bắt buộc phải dùng thiết bị an toàn. Pháp luật Malayxia quy định (từ 1/1/2020) trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 36kg hoặc dưới 136cm phải sử dụng thiết bị an toàn theo tiêu chuẩn trên xe ô tô. Để phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và quy định của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đề nghị nâng tiêu chuẩn trẻ em phải sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô lên tối thiểu mức 10 tuổi hoặc 135cm.

Thứ hai, về bảo đảm an toàn cho trẻ em trên xe gắn máy và xe đạp. Hiện nay và trong một thời gian dài sắp tới, xe máy và xe đạp vẫn sẽ là những phương tiện giao thông phổ biến của người dân, kể cả ở các vùng đô thị, nông thôn hay miền núi. Vì vậy, các quy tắc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên xe máy và xe đạp cần phải được quy định rõ ràng và cụ thể hơn trong dự thảo Luật. Cụ thể là: (1) cần quy định rõ về tốc độ tối đa đối với xe máy, xe đạp điện khi trên xe có chở trẻ em; (2) cần quy định về việc bắt buộc sử dụng đai chuyên dụng hoặc ghế ngồi an toàn cho trẻ em trên xe máy và xe đạp trong trường hợp chỉ chở 1 người là trẻ em để đảm bảo an toàn cho trẻ em; (3) cần quy định trẻ em điều khiển xe đạp bắt buộc phải sử dụng mũ bảo hiểm; (4) bổ sung quy định về việc người ngồi trên xe đạp có chở trẻ em không được sử dụng ô.

Cần quy định trẻ em điều khiển xe đạp bắt buộc phải sử dụng mũ bảo hiểm.

Cần quy định trẻ em điều khiển xe đạp bắt buộc phải sử dụng mũ bảo hiểm.

Thứ ba, về việc cấp giấy phép lái xe gắn máy. Theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Giao thông năm 2008), người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 thì không cần giấy phép lái xe, trong khi người từ đủ 16 tuổi được cho phép sử dụng xe gắn máy. Trên thực tế, nhiều học sinh tại các trường THPT, sau khi đủ 16 tuổi đã sử dụng xe gắn máy làm phương tiện đi lại mà không có giấy phép lái xe, không hiểu rõ các quy tắc an toàn, đã gây tai nạn, thương tích cho mình và người khác. Hiện nay, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không quy định rõ về hạng giấy phép lái xe đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới mà giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết (Điều 50). Vì vậy, đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật nguyên tắc: người sử dụng xe gắn máy phải có giấy phép lái xe theo hạng tương ứng, làm căn cứ cho việc yêu cầu mọi người dân điều khiển phương tiện cơ giới đều phải có giấy phép lái xe.

Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tăng cường bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em là một quá trình liên tục, ngày càng chú trọng hơn đến việc xây dựng các chính sách mang tính chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ trẻ em bị tổn hại, bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Đây là một vấn đề quan trọng, là định hướng để xây dựng các quy phạm pháp luật có liên quan về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, để các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn cho trẻ em trong giao thông đường bộ được thực thi và phát huy hiệu quả trên thực tế, đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, cần đồng thời xây dựng các cơ chế thực hiện, cơ chế, nguồn lực bảo đảm và cơ chế xử lý vi phạm đồng bộ, hiệu quả./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83468