Gói hỗ trợ 2% lãi suất - chưa như kỳ vọng

Gói hỗ trợ 2% lãi suất được triển khai theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20-5-2022) về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được coi là giải pháp cho các doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, kết quả triển khai đến nay có thể nói chưa được như kỳ vọng do vẫn còn nhiều vướng mắc…

Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Ảnh: Đỗ Tâm

Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Ảnh: Đỗ Tâm

Mới có hơn 1.700 khách hàng tiếp cận

Theo báo cáo mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối tháng 12-2022, doanh số cho vay hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 52.000 tỷ đồng; dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 35.000 tỷ đồng; số tiền lãi đã hỗ trợ khoảng 135 tỷ đồng, với hơn 1.700 khách hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù ngành Ngân hàng đã khẩn trương triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất nhưng kết quả đạt được thấp. Qua rà soát trong số các khách hàng đáp ứng điều kiện hưởng hỗ trợ lãi suất, chỉ có 7% khách hàng nộp hồ sơ (đã được hỗ trợ) và đang hoàn thiện hồ sơ; 26% khách hàng chưa có phản hồi; 67% khách hàng cho biết không có nhu cầu hỗ trợ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến việc giải ngân chậm là các ngân hàng thương mại còn lúng túng khi xác định đối tượng được hỗ trợ. Trong khi nhiều hộ sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký là hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước nên không đăng ký.

Bên cạnh đó, khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng được điều kiện “có khả năng phục hồi”. Bản thân doanh nghiệp dù có khả năng trả nợ song cũng không dám khẳng định có khả năng phục hồi khi kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất, áp lực lạm phát gia tăng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho hay, khi tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất, nhiều doanh nghiệp “lắc đầu” vì không đáp ứng đủ điều kiện. Điển hình nhất là không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nhiều ngân hàng e ngại khi triển khai do một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được quyết toán. Ngoài ra, tâm lý lúng túng trong việc xác định chính xác đối tượng được vay, cho vay với số lượng bao nhiêu, kỳ hạn thế nào và khâu quyết toán cũng phức tạp vì không có lực lượng theo dõi riêng. Các ngân hàng không “mặn mà” vì chứng từ hóa đơn quyết toán vô cùng nhiều và phức tạp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thanh khoản rất khó khăn, doanh nghiệp chỉ cần nguồn vốn, lãi suất ổn định hay nếu có thì hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ảnh: Trọng Hiếu

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ảnh: Trọng Hiếu

Đâu là giải pháp?

Nhiều ý kiến đề xuất, để gói hỗ trợ 2% lãi suất hiệu quả, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP theo hướng khách hàng chỉ cần đáp ứng các quy định hiện hành về điều kiện cho vay của tổ chức tín dụng là đủ. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, đề xuất sửa đổi này là hợp lý và nên trao quyền nhiều hơn cho tổ chức tín dụng. Nếu doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng ngân hàng sẽ được hỗ trợ, đồng nghĩa với việc mở rộng cả đối tượng và phạm vi hỗ trợ.

Có ý kiến cũng cho rằng, ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay nhưng để khơi thông được gói hỗ trợ, cần có quy định mở rộng đối tượng cho vay. Cùng với đó, có thể sử dụng nguồn lực từ gói hỗ trợ này cho các chính sách khác khả thi hơn.

Một phương án khác là trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết của chương trình này sang các nhiệm vụ chi hoặc các hình thức hỗ trợ khác. Ví dụ, các chương trình cho vay hỗ trợ khôi phục kinh tế thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm hiện đang giải ngân rất tốt và nguồn vốn này sẽ được thu hồi khi các khoản vay đến hạn trả.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty May 10 - CTCP đề xuất, Ngân hàng Nhà nước khi triển khai giảm lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp cần lựa chọn các tiêu chí phù hợp cho các ngân hàng thương mại, tránh việc đưa ra chính sách nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được, gói hỗ trợ lãi suất không đạt được mục tiêu. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may để hỗ trợ trong giai đoạn đang gặp nhiều khó khăn khi lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sâu, nguy cơ thiếu hàng, lao động nghỉ việc dài ngày trong quý I và quý II-2023.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như của các ngân hàng thương mại để gói hỗ trợ lãi suất 2% đến được với nhiều doanh nghiệp hơn.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/1056211/goi-ho-tro-2-lai-suat---chua-nhu-ky-vong