Gói thầu 5.10 dự án sân bay Long Thành 'ông lớn' nào sẽ được gọi tên?
Dự kiến ngày 23/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ công bố kết quả đánh giá hồ sơ năng lực tài chính của liên danh nhà thầu tham dự gói thầu 5.10 dự án sân bay Long Thành. Đồng thời, dự kiến ACV sẽ công bố đơn vị trúng thầu gói thầu 5.10.
Theo đó, gói thầu 5.10 "thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" thuộc dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế, sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đây cũng là gói thầu lớn nhất thuộc dự án sân bay Long Thành, với quy mô 35.233 tỷ đồng.
Trước khi mở hồ sơ năng lực tài chính của các nhà thầu, ACV đã tiến hành chấm điểm hồ sơ năng lực của các nhà thầu đã nộp hồ sơ tham gia gói thầu 5.10. Quá trình chấm điểm năng lực, kinh nghiệm thi công, ACV đã lựa chọn được liên danh nhà thầu Vietur đạt yêu cầu về kỹ thuật.
Đứng đầu liên danh này là IC ISTAS (được thành lập năm 1969), trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ. IC ISTAS được giới thiệu nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.
Đi cùng là các doanh nghiệp trong nước như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, Công ty CP kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp. Trong đó, Ricons, Newtecons, SOL E&C là những doanh nghiệp liên quan tới ông Nguyễn Bá Dương.
Cũng trong ngày 23/8, tổ công tác liên ngành sẽ bắt đầu rà soát một số nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu liên quan đến kiến nghị của nhà thầu về Gói thầu 5.10 xây dựng nhà ga hành khách Sân bay Long Thành.
Tổ công tác bao gồm đại diện 4 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công an, Tư pháp và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ bắt đầu tiến hành rà soát một số nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu liên quan đến kiến nghị của nhà thầu về Gói thầu 5.10 tại trụ sở của bên mời thầu (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam).
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6374/VPCP – CN gửi Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT; Chủ tịch ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng giám đốc ACV để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xử lý đơn khiếu nại của Liên danh Hoa Lư liên quan đến kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật Gói thầu 5.10.
Phó Thủ tướng yêu cầu ACV, với vai trò chủ đầu tư, người có thẩm quyền của Gói thầu 5.10 giải quyết theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với đơn kiến nghị/khiếu nại nêu trên của Liên danh Hoa Lư; việc giải quyết kiến nghị/khiếu nại phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, không để chậm tiến độ thực hiện Gói thầu 5.10 và Dự án thành phần 3.
Trong "đơn kiến nghị khẩn cấp" gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu khiếu nại là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) bên mời thầu về những dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Liên danh Hoa Lư cho rằng, mình có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của Liên danh Vietur đã không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 5.10 thuộc gói thầu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trị giá 35.000 tỷ đồng. "Chúng tôi có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của Liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Gói thầu 5.10 và vì vậy cần xem xét lại Thông báo 3146", văn bản nêu rõ.
Phía Liên danh Hoa Lư cho rằng Chủ tịch Công ty IC Holdings (đơn vị đại diện cho Liên danh Vietur), ông Ibrahim Cecen vướng vào nghi vấn tham nhũng. Dẫn chứng cho nghi vấn này, phía Liên danh Hoa Lư đã đính kèm các bài báo đăng những thông tin có liên quan đến cá nhân ông Ibrahim Cecen và những đơn vị có liên quan và cho rằng ông Ibrahim Cecen bị báo chí đăng bài, nhiều nghi vấn tham nhũng.
"Gói thầu 5.10 là đấu thầu quốc tế rộng rãi. Theo thông lệ quốc tế đấu thầu của ICB, chủ đầu tư trước khi quyết định các yếu tố kĩ thuật có điểm liệt hay chưa rõ đều phải công khai yêu cầu công ty dự thầu giải thích, cung cấp thêm để đảm bảo tính khách quan.