Gojek rời Việt Nam, Grab còn đối thủ nào?
Sau đợt xáo trộn này, chỉ còn các ứng dụng nội địa như Xanh SM, Be và các hãng taxi truyền thống trên cuộc đua với Grab.
Năm 2020, màn "đấu biển quảng cáo" giữa Gojek và Baemin ở ngã 6 Cộng Hòa (TP.HCM) nổi lên như một hiện tượng về cách các ứng dụng công nghệ bành trướng. Trong khi đại diện đến từ Hàn Quốc tung slogan "Em ăn gì, anh đặt Baemin giao?" với gương mặt đại diện là Trấn Thành, thì Gojek dùng hình ảnh Hari Won - vợ Trấn Thành - để đáp trả "Ăn gì cũng được, Gojek giao là được".
Thời điểm ấy, mấy ai dự đoán được rằng chỉ vài năm sau, cả 2 thương hiệu lớn đến từ nước ngoài đều phải nói lời tạm biệt thị trường Việt Nam.
Với sự ra đi của Baemin vào cuối năm 2023 và mới nhất là Gojek vào ngày 16/9 tới đây, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam được dự báo sẽ định hình theo chiều hướng mới. Ở đó, cơ hội dành cho các ứng dụng nội địa đang dần trở nên hấp dẫn hơn.
Ứng dụng Việt hưởng lợi
Sau khi đặt chân đến Việt Nam vào năm 2018 với tên gọi ban đầu là GoViet, Gojek được người tiêu dùng kỳ vọng sẽ phá vỡ thế độc quyền của Grab, đặc biệt khi ông lớn đến từ Singapore vừa hoàn tất thương vụ sáp nhập với Uber Đông Nam Á.
Thế nhưng, sự thất bại nhanh chóng của Gojek cho thấy Grab vẫn chưa có đối thủ xứng tầm.
Trong khi Gojek rục rịch rời đi, Grab lại chuẩn bị kỷ niệm 10 năm kinh doanh tại Việt Nam. Đến nay, hãng đã phủ sóng tại hơn 50 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 200.000 đối tác tài xế.
Ứng dụng này lấn sân ở mọi lĩnh vực từ vận chuyển, giao hàng cho đến gọi đồ ăn. Nhưng dù ở bất cứ dịch vụ nào, Grab cũng đều nắm trong tay phần lớn thị phần.
Trong tâm trí người Việt, Grab, Be, Gojek và Xanh SM đang là những thương hiệu hàng đầu.
Vắng Gojek, Grab sẽ bớt đi một mối bận tâm. Tuy nhiên, sự xáo trộn này cũng giúp các đối thủ khác như Be, Xanh SM, ShopeeFood, Ahamove hay ngay cả các hãng taxi truyền thống dễ thở hơn.
Trên thực tế, thị trường gọi xe công nghệ đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các ứng dụng "cây nhà lá vườn" sau nhiều năm chật vật trên sân nhà. Mặt khác, các ông lớn nước ngoài như Grab bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí còn xuất hiện tình trạng đi lùi.
Theo báo cáo "The Connected Consumer quý I/2024" của Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam khảo sát trên 1.446 người, Grab vẫn dẫn đầu lượng người dùng tại Việt Nam với 64%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã thu hẹp 8% so với năm 2023.
Với Gojek, ứng dụng ghi nhận lượng người dùng trung thành sụt giảm đáng kể từ 26 % năm 2023 xuống còn 22%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Xanh SM nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 khi chiếm 32% và Be là 24%.
Dù lượng thị phần còn lại của Gojek không quá lớn, đây vẫn là miếng bánh hấp dẫn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu.
Ai có thể cạnh tranh Grab?
Đến nay, Grab vẫn là ứng dụng gọi xe toàn diện nhất thị trường Việt Nam với 3 thế mạnh là vận chuyển (GrabBike, GrabCar), giao hàng (GrabExpress) và giao đồ ăn (GrabFood, GrabMart). Tuy nhiên, đây có thể là điểm yếu của hãng khi việc duy trì vị thế hàng đầu ở từng lĩnh vực đòi hỏi tiêu tốn nhiều tài nguyên.
Mặt khác, hầu hết đối thủ của Grab chỉ tập trung phát triển 1-2 dịch vụ thay vì xây dựng nhiều "cánh tay nối dài".
Điển hình ở mảng giao đồ ăn, khoảng 92% sân chơi này được chia đều cho Grab (47%) và ShopeeFood (45%). Sau khi Baemin và Gojek đã rời đi, việc thị phần của 2 ông lớn mở rộng lên ngưỡng tuyệt đối sẽ chỉ là câu chuyện sớm muộn.
ShopeeFood tiền thân là ứng dụng Now (hay còn gọi là Delivery Now), được thành lập từ năm 2016 bởi CTCP Foody. Trước khi GrabFood ra mắt, Now gần như thống lĩnh dịch vụ giao đồ ăn.
Tháng 9/2017, tập đoàn Sea Limited (công ty mẹ của Shopee, Garena, SeaMoney và cũng là kỳ lân Singapore như Grab) thâu tóm 82% cổ phần Foody với 64 triệu USD. Trước đó, Sea từng là nhà đầu tư cho Foody trong vòng gọi vốn Series B hồi 2015.
Cuối 2021, ứng dụng Now đổi tên thành ShopeeFood, sáp nhập chính thức vào hệ sinh thái của Shopee bên cạnh dịch vụ mua hàng thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến ShopeePay.
Ngoài ShopeeFood, chỉ một vài ứng dụng như Be hay Loship tham gia dịch vụ giao đồ ăn nhưng thị phần hầu như không đáng kể. Bản thân những ông lớn như Be cũng chưa tỏ ra mặn mà cạnh tranh tại mảng kinh doanh đang rất cô đặc này.
Tuy nhiên, ở mảng vận chuyển, Be, Xanh SM cùng một loạt hãng taxi truyền thống là mối đe dọa thực sự với Grab.
Xét về tương quan lực lượng, Be tuyên bố đang sở hữu khoảng 300.000 đối tác tài xế. Trong khi đó, GSM, chủ thương hiệu Xanh SM, đang vận hành hơn 30.000 taxi điện cùng hàng chục nghìn xe máy điện phủ sóng tại 45 tỉnh thành.
Điều đáng nói, nhờ thỏa thuận hợp tác giữa Be Group và GSM vào năm 2023, người dùng đã có thể đặt Xanh SM ngay trên ứng dụng Be.
Ở góc độ tiềm lực, cả Be và Xanh SM đều được hậu thuẫn bởi những tập đoàn lớn tại Việt Nam như VPBank hay Vingroup.
Trong một bài viết phân tích trên trang Fulcrum.sg, TS Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), từng tin rằng Xanh SM sở hữu nhiều lợi thế khác biệt để cạnh tranh với Grab.
Đầu tiên, Xanh SM đối xử với các tài xế như nhân viên chứ không phải là nhà thầu hoặc đối tác. Do đó, tài xế được hưởng mức lương cố định hàng tháng, tiền thưởng hiệu suất và các lợi ích khác.
Thứ hai, tài xế Xanh SM không phải chịu gánh nặng mua xe để tham gia chạy dịch vụ. Chi phí bảo dưỡng, khấu hao hay nhiên liệu của xe điện so với xe xăng cũng chênh lệch đáng kể.
Vị chuyên gia cũng đánh giá sự phổ biến ngày càng tăng của Xanh SM một phần do giá cước cố định cho các chuyến đi được đặt qua ứng dụng, trái ngược với giá cước dao động theo nhu cầu của Grab.
Bên cạnh đó, Xanh SM cũng ghi điểm với khách hàng nhờ vận hành đội xe mới, tài xế lịch sự cũng như bắt kịp xu hướng giao thông xanh đang thịnh hành hiện nay.
Nguồn Znews: https://znews.vn/gojek-roi-viet-nam-grab-con-doi-thu-nao-post1496785.html