Google tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử

Sáng 5/12, biểu tượng của Google Tiếng Việt được đổi thành hình ảnh cách điệu của môn nghệ thuật Đờn ca tài tử. Ngày 5/12/2023 cũng là tròn 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử được Google vinh danh trên trang tìm kiếm của Google tiếng Việt ngày 5/12

Nghệ thuật Đờn ca tài tử được Google vinh danh trên trang tìm kiếm của Google tiếng Việt ngày 5/12

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan ngày 5/12/2013.

Năm 2023 là tròn 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, là nghệ thuật của đàn và ca, do thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm các loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm, cùng nhau chia sẻ thú vui tao nhã.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài từ Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật hiện đại, góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

Đờn ca tài tử được truyền dạy theo hai hình thức: truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp tại nhà, câu lạc bộ, gia đình, dòng họ; truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng tại một số trường văn hóa nghệ thuật địa phương và quốc gia. Người học đàn cần ít nhất 3 năm để học những kỹ năng cơ bản như: rao, rung, nhấn, khảy, búng, phi, vê, láy, day, chớp, chụp…; học chơi độc chiếc, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, lục tấu với các nhạc cụ khác nhau. Người học ca (đơn ca, song ca) học những bài truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc.

Người dân Nam Bộ coi Đờn ca tài tử là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết, giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt… Lễ giỗ Tổ được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm.

PV

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/google-ton-vinh-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-2023120509141112.htm