Góp phần tạo dựng 'bệ phóng' cho nền kinh tế

Bộ Công Thương đã triển khai các nghị quyết của Trung ương, xây dựng ban hành quy hoạch ngành như năng lượng, điện… góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung nghiên cứu, triển khai các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ để tham mưu, xây dựng trình ban hành hàng loạt quy hoạch ngành quan trọng như năng lượng, điện, xăng dầu, khoáng sản… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản cùng các kế hoạch thực hiện đi kèm sẽ là điều kiện pháp lý, hành lang để TKV có thể thuận lợi triển khai các dự án thăm dò, khai thác, chế biến than - khoáng sản trong thời gian tới.

Quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản cùng các kế hoạch thực hiện đi kèm sẽ là điều kiện pháp lý, hành lang để TKV có thể thuận lợi triển khai các dự án thăm dò, khai thác, chế biến than - khoáng sản trong thời gian tới.

Bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết từ cơ sở thực tiễn

Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế, công - nông - thương nghiệp. Bên cạnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, Hồ Chủ tịch luôn thúc đẩy việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các ngành công nghiệp dựa trên tiềm năng sẵn có, đó là than, điện, dầu khí…, bởi đây đều là những lĩnh vực quan trọng tạo tiền đề cho mọi hoạt động sản xuất của nền kinh tế - xã hội.

Đặc biệt từ sau năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những quan tâm, chỉ đạo đặc biệt đối với các phân ngành công nghiệp năng lượng nước nhà. Đơn cử, tại Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong mười năm (1954 - 1964), miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Người nhấn mạnh: “Những cơ sở quan trọng của các ngành công nghiệp nặng chế tạo máy móc, bưu điện, luyện kim, hóa chất, khai mỏ... dần dần được xây dựng. Nền kinh tế nước ta hiện nay về căn bản đã trở thành một nền kinh tế tự chủ, vững bước tiến lên”.

Hay trong lĩnh vực than, năm 1968, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Người ta thường gọi than là “vàng đen”, nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống của nhân dân. Với xăng dầu, Người từng cho rằng, phải quý xăng dầu như máu của mình. Đối với lĩnh vực dầu khí, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn các nước thuộc Liên Xô giúp Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển năng lượng, khai khoáng và được cụ thể bằng các nghị quyết chuyên đề; các luật, quy hoạch, chiến lược, chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bên cạnh các chủ trương, quyết sách chiến lược của Đảng thì công tác quy hoạch giữ vai trò rất quan trọng vì nó được xem là công cụ mang tính nền tảng để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta, tạo động lực huy động các nguồn lực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Các chuyên gia đánh giá, quy hoạch ngành do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng đã tạo nền tảng quan trọng cho các ngành khác phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh, sạch, bền vững, công bằng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; đồng thời, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.

Để tạo “cái gốc” cho phát triển, Bộ Công Thương đã được giao chủ trì xây dựng 5 quy hoạch ngành quan trọng liên quan đến công nghiệp, năng lượng. Bằng sự nỗ lực của mình, đến hết năm 2023, Bộ đã hoàn thành việc lập 4 quy hoạch, gồm: Quy hoạch năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt); trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, năng lượng và khoáng sản được coi là “bánh mỳ” của nền kinh tế, không thể thiếu và phải “đi trước một bước” so các ngành kinh tế khác. Chính vì vậy, ngay sau khi kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành được phê duyệt, Bộ Công Thương đã ngay lập tức tổ chức việc quán triệt, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm bắt tay vào việc triển khai để vừa phục vụ nhu cầu năng lượng và khoáng sản cho phát triển kinh tế, vừa tạo dư địa cũng như động lực mới cho sự tăng trưởng của các ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Tạo dựng nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại, tự chủ

Có thể nói, các quy hoạch ngành nêu trên khá đầy đủ, toàn diện, bao trùm cùng các giải pháp thực hiện, góp phần đảm bảo yếu tố đầu vào quan trọng nhất của nền kinh tế đó là năng lượng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động của riêng mình, góp phần đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch.

Theo đó, Quy hoạch điện VIII góp phần đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế; quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia vừa đảm bảo hạ tầng dự trữ chiến lược; dự trữ sản xuất, thương mại, vận tải, lưu thông phân phối an toàn liên tục cho sản xuất công nghiệp và tiêu dùng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Mục tiêu của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản là quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon.

Như vậy, có thể thấy, các quy hoạch mang tính nền tảng đã góp phần hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và nhà nước về lĩnh vực năng lượng khoáng sản; giúp định hướng quy hoạch địa phương trong các lĩnh vực điện và những nguồn năng lượng khác, xăng dầu, khoáng sản, đất đai, giao thông. Khi triển khai quy hoạch, sẽ tạo điều kiện phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp, từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước; phát triển khoa học công nghệ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương cũng như quốc gia; tạo nguồn thu cho ngân sách; tạo việc làm, thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; giúp hình thành thị trường năng lượng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng với bối cảnh mới…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh - địa phương có nền công nghiệp sản xuất điện, than, tạo nguồn thu ngân sách, thu hút việc làm rất lớn - cho rằng, các quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản đều có tác động trực tiếp, lâu dài đến tương lai phát triển của Quảng Ninh. Theo thống kê, các ngành năng lượng và khoáng sản đang chiếm khoảng 50% GRDP của tỉnh, chưa kể đến các tác động gián tiếp khác.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng: Quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản cùng các kế hoạch thực hiện đi kèm sẽ là điều kiện pháp lý, hành lang để TKV có thể thuận lợi triển khai các dự án thăm dò, khai thác, chế biến than - khoáng sản trong thời gian tới.

Vũ Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gop-phan-tao-dung-be-phong-cho-nen-kinh-te-327360.html