Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Lắng nghe, tiếp thu những ý kiến tâm huyết
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân không chỉ nhằm phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn là dịp để lắng nghe, tiếp thu những đóng góp thiết thực, tâm huyết nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và đồng thuận xã hội cao của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Sửa đổi Hiến pháp là một công việc hệ trọng
Trong bối cảnh Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 12/4/2025) đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phan Như Nguyện khẳng định: Việc sửa đổi Hiến pháp dù ở phạm vi nào cũng là một công việc rất hệ trọng. Do vậy, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả, với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có việc khẳng định MTTQ Việt Nam là "bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo".
Ngoài ra, dự thảo nhấn mạnh vai trò của Mặt trận trong việc "thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước". So với quy định hiện hành, dự thảo thể hiện sự mở rộng chức năng dân chủ đại diện của MTTQ Việt Nam từ phản biện, giám sát, đến vai trò trung gian giữa Nhân dân và Nhà nước.
Giảm bớt sự giao thoa, trùng lặp trong thực hiện chức năng nhiệm vụ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo dự thảo Nghị quyết khẳng định rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các tổ chức thành viên; giảm bớt sự trùng lặp, giao thoa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tránh tình trạng có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát với cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, ghi nhận từ thực tế, vẫn tồn tại tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức, điều này rất dễ nhận thấy trong các tổ chức Hội. Ví dụ như một người vừa là hội viên Hội Nông dân, vừa là hội viên Hội Phụ nữ, hội viên Hội Cựu chiến binh,… nhưng tham gia tập huấn, đào tạo ở nhiều hội nghị cùng nội dung, cùng thời điểm, như hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, về lĩnh vực môi trường… dẫn đến việc 1 người được nhiều tổ chức cùng mời nhưng không phối hợp dẫn đến trồng chéo, trùng lặp, lãng phí, không cần thiết.
Do vậy việc sắp xếp các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng hiện nay) là cần thiết để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Theo Tiến sỹ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cần ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Khoản 2, Điều 9 trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ghi: "Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam". Như vậy, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam chịu sự lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của MTTQ Việt Nam.
Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo sự lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Mặt trận với tính độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội? Thí dụ, công tác tổ chức cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện hai nhiệm vụ là: Xây dựng hệ thống tổ chức từ trung ương đến cấp tỉnh và cấp xã; xây dựng bộ máy, cán bộ của tổ chức mình. Hoặc tổ chức chính trị - xã hội nào trong Đại hội cũng phải bầu ra Ủy ban kiểm tra của mình. Vậy, công tác xây dựng hệ thống tổ chức cấp xã của Hội Nông dân sẽ thực hiện như thế nào? Và Ủy ban kiểm tra của Hội Nông dân do Đại hội bầu ra sẽ hoạt động như thế nào?
Dẫu rằng, bất kể cuộc cách mạng nào cũng là thay cái cũ lạc hậu để kiến tạo nên cái mới tiên tiến. Nhưng để MTTQ Việt Nam (bảo gồm Ủy ban Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội) hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cần nghiên cứu làm rõ công tác điều hành và cần ban hành Quy chế làm việc thống nhất từ trung ương đến cấp tỉnh và cấp xã.