GS.TS Đinh Quang Báo: 'Ngành sư phạm cần đồng bộ chính sách để giữ sức hút'

GS.TS Đinh Quang Báo nhìn nhận, để đầu vào ngành sư phạm luôn có chất lượng, thu hút được người tài, cần các cơ chế đồng bộ trong đó 2 vấn đề mấu chốt là sinh viên tốt nghiệp ra trường phải có việc làm và đảm bảo vấn đề tiền lương, chế độ cho nhà giáo.

Hiện nay, Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dự án Luật này được kỳ vọng sẽ khắc phục những khó khăn, bất cập của pháp luật về nhà giáo hiện hành, phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, tạo động lực để các nhà giáo cống hiến và đóng góp cho ngành giáo dục.

Với những tín hiệu rất tích cực từ cơ chế, nhiều ý kiến cho rằng, ngành sư phạm vốn đã “hot” trong những năm gần đây sẽ càng “hot” hơn, có mức độ cạnh tranh cao hơn trong mùa tuyển sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, việc các ngành đào tạo giáo viên thu hút được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm chuẩn ngày càng tăng qua các năm là điều rất đáng mừng. Đầu vào ngành sư phạm cao do tác động từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, như Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Tuy nhiên, GS.TS Đinh Quang Báo nhìn nhận, dù những chính sách trên đang phát huy hiệu quả vào thời điểm này, nhưng ở thời điểm khác cũng có thể không còn đủ lực để thu hút người giỏi vào sư phạm.

Minh chứng là sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII (năm 1996) với chính sách không thu học phí và thực hiện chế độ học bổng ưu đãi đối với sinh viên ngành sư phạm; có chính sách thu hút học sinh tốt, khá, giỏi vào ngành sư phạm thì khoảng 5-7 năm sau năm 1997, điểm chuẩn các trường sư phạm luôn rất cao.

“Giai đoạn ấy, đầu vào ngành sư phạm, ở khoa Toán là 27 điểm trên thang điểm 30, tức là trung bình mỗi môn 9 điểm - một thành tích chưa từng có, bởi đề thi thời điểm này rất khó. Kết quả này chính là nhờ tác động từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, với chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm”, GS.TS Đinh Quang Báo cho hay.

Tuy nhiên, sau đó một thời gian, chính sách này tỏ ra không còn hiệu quả như ban đầu, bởi đầu ra sư phạm không đảm bảo, không phải sinh viên nào tốt nghiệp sư phạm cũng được tuyển dụng. Khi vấn đề đầu ra không đảm bảo, ngành sư phạm ngày càng giảm dần sức hút.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội (Ảnh: Tạp chí Giáo dục, Bộ GD-ĐT)

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội (Ảnh: Tạp chí Giáo dục, Bộ GD-ĐT)

GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, việc các ngành đào tạo giáo viên có điểm chuẩn rất cao trong các mùa tuyển sinh gần đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để ngành sư phạm luôn giữ được sức hút, phải giữ được đồng bộ các chính sách ưu tiên, bao gồm vấn đề học phí, học bổng, cân đối giữa cung và cầu để đảm bảo đầu ra cho sinh viên, cùng những chính sách về lương, đãi ngộ cho nhà giáo.

Ông ủng hộ đề xuất lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, được đưa ra tại Dự thảo Luật Nhà giáo.

“Nguyên tắc phải đồng bộ, từ vấn đề việc làm, ưu đãi về lương. Hai mấu chốt quan trọng bậc nhất là sinh viên tốt nghiệp ra trường phải có việc làm và đảm bảo vấn đề tiền lương, chế độ cho nhà giáo. Duy trì được hai điều này thì đầu vào sư phạm sẽ luôn có chất lượng, thu hút được người tài vào ngành giáo dục”, GS.TS Đinh Quang Báo nhìn nhận.

Mùa tuyển sinh năm 2024, điểm chuẩn các trường Sư phạm nằm trong top “hot” nhất khi có những ngành, thí sinh dù đạt trên 9,5 điểm mỗi môn vẫn trượt nguyện vọng. Nhiều ngành mới mở cũng có mức điểm chuẩn từ 9 điểm mỗi môn.

Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hai ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn có mức điểm trúng tuyển cao nhất, với 29,3 điểm. Tiếp đến là Sư phạm Địa lý với 29,05 điểm. Trong nhóm ngành đào tạo giáo viên, Sư phạm Mỹ thuật có đầu vào thấp nhất với 22,69 điểm, nhưng cũng đã tăng 4,39 điểm so với năm trước.

 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: Xuân Quý)

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: Xuân Quý)

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng có nhiều ngành lấy đến trên 28 điểm, như: Sư phạm Ngữ văn 28,83 điểm; Sư phạm Lịch sử 28,83 điểm; Sư phạm Lịch sử- Địa lý 28,42 điểm…

Với Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử, cùng lấy 28,6 điểm. Hầu hết các ngành đều tăng điểm chuẩn so với năm 2023, trong đó có ngành tăng hơn 5 điểm. Dù là năm đầu tiên tuyển sinh, tuy nhiên ngành Sư phạm Ngữ văn cũng là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Long An với 27,3 điểm, chỉ chênh lệch 1,3 điểm so với cơ sở chính.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, các ngành sư phạm cũng lấy điểm chuẩn thuộc top cao nhất, với điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử là 28,43 điểm, Sư phạm Địa lý 27,9 điểm; Sư phạm Ngữ văn 27,83 điểm; Giáo dục công dân 27,31 điểm.

Tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo hôm 20.11, Đại biểu Quốc hội Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) cũng nhấn mạnh, trong những mùa tuyển sinh gần đây, đã hết thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Theo bà Thủy, đầu vào của ngành sư phạm thời gian qua đã ngày càng tốt hơn, vấn đề hiện nay là “đầu ra".

Đại biểu Quốc hội Chamaleá Thị Thủy đề nghị phải có chính sách để thầy cô ra trường có được công việc, sống được bằng nghề, theo được đam mê nghề nghiệp sẽ ngày càng thu hút được nhân tài.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gsts-dinh-quang-bao-nganh-su-pham-can-dong-bo-chinh-sach-de-giu-suc-hut-post397177.html