Gương mặt thơ: Trương Tuyết Mai
Rất nhiều người chỉ biết chị là nhạc sĩ, nhất là sau khi ca khúc 'Huế tình yêu của tôi' xuất hiện, người Huế từ e dè ban đầu (kể cả tôi), giờ thì công nhận nó là một phần của Huế.
Là nhạc sĩ, chị đã có tới 7 đầu sách và CD. Tới khi gặp chị trong cuộc rải tro nhà báo Pháp Georges Boudarel, người đã dịch rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam như “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố ra tiếng Pháp khi ông là cán bộ Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam và ông chính là người yêu đầu đời của chị thì tôi mới biết chị còn là nhà thơ.
Nhà thơ, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai sinh ngày 19-7-1944, quê ở tỉnh Phú Yên. Tập kết ra Bắc, chị học ở Trường Miền Nam, số 8 Hải Phòng. Năm 1965, tốt nghiệp môn flute (sáo sắt) ở Trường Âm nhạc Việt Nam, chị về công tác tại dàn nhạc Đài Phát thanh Giải phóng. Từ năm 1974, chị phục vụ tại chiến trường Trị Thiên và khu V trong đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Giải phóng. Từ năm 1975 đến 1981, chị làm việc tại dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó chuyển sang làm biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Hiện chị cư trú tại TP. Hồ Chí Minh, sáng tác nhạc, thơ và cả văn xuôi; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Chị đã có tới 7 tập thơ, 1 tập văn xuôi; trong đó, năm nay, kỷ niệm 80 tuổi, chị vừa xuất bản tập thơ “Hòa âm đêm” được rất nhiều bạn nghề, bạn đọc đánh giá cao.
Tôi trích ngang lý lịch của chị hơi nhiều để chứng minh rằng, với một cuộc đời như thế, lăn lộn từng trải như thế, gắn với đời như thế, tình yêu đẹp như thế, việc chị sử dụng một lúc nhiều “tay” trong sáng tác, từ nhạc tới thơ, văn cũng là điều dễ hiểu.
Chị viết nhiều thơ tình, như để ru mình, mà cũng ru người, một thứ tình yêu có đắng đót, xa xót nhưng cũng trong veo đầy xúc cảm. Hai câu chị trích in ở bìa 4 tập “Hòa âm đêm” vừa xuất bản là: “Giá như đừng nhìn điều chi cũng rõ/thì hồn ta đâu đẫm lệ-người ơi”.
Riêng cái mối tình xuyên biên giới với nhà báo Pháp Georges Boudarel, người sau này là bộ đội Việt Nam, là cán bộ địch vận, cán bộ Nhà xuất bản Ngoại văn, rồi trở về Pháp và đằng đẵng cô đơn những ngày cuối đời bên ấy, rồi ước nguyện được thả tro ở 3 con sông Việt Nam và được chị cùng bạn bè thực hiện... đã đủ để chị viết hàng vạn bài thơ tình. Nhưng không chỉ thơ tình, thơ chị cũng mênh mông nhân tình thế thái.
Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.
Gối không nước mắt
Nắng tràn qua cửa sổ
nhảy nhót trên gối mềm.
gối ta không nước mắt
cần chi nắng hong khô.
Chỉ có những giấc mơ
vẫn còn đẫm trên đó.
ta sợ bất chợt gió
ập vào cuốn bay đi.
Gom lá
Cảm ơn em tặng chị cây xiên
Để dọn vườn
khỏi khom lưng quét lá.
Nhưng em ơi-cây xiên nhọn quá
Mỗi lần xiên
lá vỡ
xót xa...
Lá đã rụng
lại khô
còn đau nữa
Thì làm sao tim chị nguyên lành.
Thôi cứ đành
khom lưng gom lá
Đưa chổi thật êm
lá sẽ... bớt đau.
Vu vơ câu đưa tình
Chị bỗng mỉm cười
nghe lòng xao xuyến
kỷ niệm ùa về
quay quắt nhớ Trường Sơn.
Cùng đồng đội
những chiều hành quân
len lỏi vượt rừng
dưới tầm bom bão đạn.
Bỗng câu đưa tình phía sau vọng tới
“người đâu
mà đằm thắm dịu dàng?”.
Chị ngoái lại
mong biết người vừa dứt tiếng
khen tặng ai
giữa bom đạn rền vang.
Một chút ngỡ ngàng
lời trao chưa kịp
đã chạm nụ cười
ánh mắt chứa chan.
Câu đưa tình vu vơ
theo chị cùng năm tháng
cũng lúng liếng trái tim
cũng ngong ngóng mong chờ
suốt hành trình dâu bể... người thơ.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/guong-mat-tho-truong-tuyet-mai-post301863.html