Khai mở 'mỏ vàng' di sản văn hóa

Với lòng tự hào và trách nhiệm, Quảng Bình đang không ngừng nỗ lực gìn giữ và phát huy những di sản quý báu mà cha ông để lại, từ các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống đến các loại hình văn hóa phi vật thể. Những giá trị này góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Bình phát triển du lịch bền vững, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Mỏ vàng” cho du lịch

Quảng Bình, với vị thế đặc biệt là vùng đất giao thoa và tiếp biến văn hóa, luôn lưu giữ những giá trị di sản đa dạng và phong phú. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, người dân Quảng Bình vẫn kiên trì gìn giữ và bảo tồn những di sản văn hóa (DSVH) mà cha ông để lại, làm phong phú thêm bản sắc và truyền thống của vùng đất này.

Bên cạnh tiềm năng DL thiên nhiên và DL cộng đồng, Quảng Bình đang ngày càng chú trọng phát triển các sản phẩm DL khai thác từ DSVH. Trong đó, các sản phẩm DL về nguồn gắn với các “địa chỉ đỏ”, các di tích lịch sử và câu chuyện bi hùng của dân tộc được coi là trọng tâm phát triển. Du khách đến Quảng Bình sẽ có cơ hội tham quan những di tích lịch sử, như: Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết thắng, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Khi tham quan TP. Đồng Hới, du khách có thể khám phá văn hóa và các di tích lịch sử của vùng đất bên dòng Nhật Lệ, như Quảng Bình quan, lũy Thầy, tháp chuông nhà thờ Tam Tòa...

Di sản văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều thu hút du khách.

Di sản văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều thu hút du khách.

Ngoài 147 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, hệ thống danh lam thắng cảnh đặc sắc, Quảng Bình hiện đang sở hữu 2 di sản được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với 10 di sản được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Đây chính là tài sản quý giá, là nền tảng vững chắc để Quảng Bình tiếp tục khai thác, phát triển DL. Bà Hoàng Lê Na, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sông Son khẳng định: “DSVH chính là “mỏ vàng” của DL. Bởi ngoài việc khám phá thiên nhiên, điều mà mỗi du khách mong mỏi chính là được tìm hiểu về văn hóa, con người của vùng đất họ được đặt chân đến. Chúng tôi đã từng dẫn một đoàn khách đến từ TP. Hồ Chí Minh đến với huyện Lệ Thủy, nghe các nghệ nhân dân gian trình diễn hò khoan. Dù là những người lần đầu thưởng thức làn điệu dân ca này nhưng ai cũng cảm thấy thích thú”.

Di sản văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều thu hút du khách.

Di sản văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều thu hút du khách.

Khai thác sáng tạo

Mặc dù giá trị DSVH đối với phát triển DL không thể phủ nhận nhưng để di sản ấy thực sự trở thành một “mỏ vàng” đúng nghĩa, cần phải khai thác sáng tạo và hiệu quả. Bảo tồn di sản là nhiệm vụ then chốt nhưng việc sáng tạo và đổi mới cách thức khai thác và quảng bá các giá trị di sản thông qua DL sẽ giúp di sản đến gần hơn với du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cuối tháng 10/2023, Bảo tàng số Quảng Bình chính thức ra mắt. Đây được coi là bước chuyển mạnh mẽ giúp quảng bá sâu rộng những giá trị DSVH của Quảng Bình đến với đông đảo người dân trong nước và quốc tế. Ngoài việc đến tham quan trực tiếp tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá về truyền thống lịch sử-văn hóa Quảng Bình thông qua bảo tàng số, không gian triển lãm ảo và tương tác trực tiếp trên nền công nghệ mới mà không bị giới hạn về thời gian và không gian.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Ảnh: Nguyễn Hải.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Ảnh: Nguyễn Hải.

Việc biến DSVH thành sản phẩm DL không chỉ đơn giản là giới thiệu mà còn cần sự sáng tạo và đầu tư bài bản. Muốn vậy, doanh nghiệp DL phải nắm vững lịch sử, văn hóa và những giá trị tinh thần mà di sản mang lại. Bởi việc chuyển tải những câu chuyện về di sản giúp du khách có cái nhìn sâu sắc hơn. Theo bà Lê Na, mỗi DSVH mang trong mình một câu chuyện riêng nên trách nhiệm của người làm DL là sáng tạo, thổi hồn vào những câu chuyện ấy. Khi được kể chân thành và đầy cảm hứng, di sản không còn là một đối tượng tĩnh mà trở thành một phần sống động trong tâm trí của người nghe, biến mỗi chuyến đi là một hành trình khám phá về không gian, thời gian và những giá trị tinh thần sâu sắc.

Lễ hội cầu ngư xã Cảnh Dương. Ảnh: Nguyễn Hải

Lễ hội cầu ngư xã Cảnh Dương. Ảnh: Nguyễn Hải

“Đường dài” cần “ngựa hay”

Nhiều di tích được đưa vào khai thác DL nhưng chưa thực sự tạo nên điểm hấp dẫn đối với du khách. Một số sản phẩm DL văn hóa dù đầy tiềm năng nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Các DSVH phi vật thể chưa hiện diện nhiều trong các sản phẩm DL. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, hội rằm tháng ba Minh Hóa, lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương… là những sự kiện thu hút hàng nghìn người dân và du khách trải nghiệm. Tuy nhiên, các lễ hội này phần lớn phục vụ cộng đồng địa phương mà chưa trở thành sản phẩm DL thực sự chuyên nghiệp.

Để phát huy tối đa giá trị di sản và trở thành những điểm nhấn đặc sắc, cần có các giải pháp đồng bộ và chiến lược phát triển cụ thể. Ngành DL cần xây dựng những tour DL kết hợp tham gia lễ hội, giúp du khách dễ dàng tiếp cận, trải nghiệm, thưởng thức văn hóa dân gian. Như nhiều sản phẩm DL khác, cộng đồng là một phần không thể thiếu trong sự thành công của các sản phẩm DL văn hóa. Việc tạo cơ hội cho người dân tham gia vào phát triển các sản phẩm DL giúp họ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế từ DL. Cũng như những nghệ nhân khác trong Câu lạc bộ (CLB) tuồng cổ Khương Hà (xã Hưng Trạch, Bố Trạch), ông Trần Xuân Định, chủ nhiệm CLB luôn mong mỏi loại hình văn hóa dân gian này đến gần với du khách. “Đó vừa là cách thức hiệu quả để bảo tồn và phát triển tuồng cổ Khương Hà, vừa tạo nên hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân địa phương chúng tôi”, ông Định bày tỏ.

Hò khoan Lệ Thủy được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Nguyễn Hải.

Hò khoan Lệ Thủy được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Nguyễn Hải.

Khai thác DSVH thành sản phẩm DL là một chặng “đường dài” đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tầm nhìn chiến lược và những “ngựa hay” biết cách kết nối giá trị văn hóa với nhu cầu du khách. Khi đó, DSVH sẽ trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy Quảng Bình vươn mình phát triển, khẳng định vị thế trên bản đồ DL trong nước và thế giới.

“Bảo tồn giá trị di sản vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh thiêng liêng. Sứ mệnh đó phải luôn được đặt lên hàng đầu. Để di sản thực sự tỏa sáng, chúng ta cần những cách làm sáng tạo, biến di sản thành những sản phẩm DL độc đáo và bền vững, góp phần phát triển kinh tế mà vẫn không đánh mất đi bản sắc. Mỗi di sản cần được giữ gìn nguyên vẹn, phát huy giá trị, biết cách kể câu chuyện của chính mình, khiến du khách không chỉ đến để ngắm nhìn mà còn để cảm nhận, thấu hiểu và yêu mến. Đây là kim chỉ nam để ngành văn hóa tiếp tục phấn đấu, gìn giữ những giá trị quý báu cho hôm nay và mai sau”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao nhấn mạnh.

Diệu Hương

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/khai-mo-mo-vang-di-san-van-hoa-2222566/