GV ý kiến về việc chưa chi tiền thừa giờ, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Văn Linh giải thích
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh (Lâm Đồng) giải thích về việc chậm chi trả tiền dạy thừa giờ của giáo viên.
.t1 { text-align: justify; }
Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh (tỉnh Bình Thuận trước đây và nay thuộc tỉnh Lâm Đồng) cho hay, nhà trường đến nay vẫn chưa chi trả tiền dạy thừa giờ của các giáo viên với tổng số giờ là 3844.

Ảnh minh họa.
Giáo viên nêu: "Vào ngày 13/5 vừa qua, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh Lương Khắc Sinh đã ký văn bản Kế hoạch phân tiết giảng dạy năm học 2024-2025 của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh.
Theo đó, giáo viên dạy 16 môn của nhà trường đã dạy thừa 3844 giờ trong năm học 2024-2025.
Cụ thể, giáo viên dạy môn Ngữ Văn thừa giờ nhiều nhất với 1199 giờ, trong mục ghi chú có nêu có 1 giáo viên dạy môn học này đã chuyển trường từ 12/3; Tiếp đến là giáo viên môn Toán dạy thừa giờ là 513,5; Môn Lịch Sử dạy thừa 316,5 giờ; Môn Vật lý là 270 giờ; Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật dạy thừa 245,5 giờ...".
Theo phản ánh của giáo viên, nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên dạy thừa giờ là do Sở Giáo dục và Đào tạo điều giáo viên của đơn vị đến trường khác. Bên cạnh đó, nhà trường cử giáo viên trong đơn vị đi học nên giáo viên còn lại phải dạy thêm giờ.
Bên cạnh đó, có giáo viên phản ánh vẫn chưa nhận được tiền công tác phí của năm học 2024-2025.
Liên quan đến nội dung nêu trên, thầy Lương Khắc Sinh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh cho biết, nhà trường đang giải quyết hồ sơ thủ tục để chi trả chế độ dạy thừa giờ cho giáo viên.
"Nhà trường đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn thực hiện theo quy định việc chi trả dạy thừa giờ của giáo viên", thầy Sinh chia sẻ.
Thông tin về thời gian Sở giải quyết chi trả tiền dạy thừa giờ của giáo viên, thầy Sinh cho biết, thông thường, một năm tài chính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là hết hạn thời gian.
Trả lời câu hỏi vì sao giờ giảng dạy của giáo viên lại thừa giờ nhiều như vậy, thầy Sinh cho biết, số giờ giảng dạy dựa trên thực tế từng giáo viên kê. Còn việc thừa giờ là do đầu năm cơ số lớp đầu vào (lớp 10) với số lượng nhiều, trong khi đội ngũ giáo viên lại theo định mức.
Về phản ánh việc Sở Giáo dục và Đào tạo điều chuyển giáo viên của đơn vị sang trường khác, và nhà trường cử giáo viên đi học, thầy Sinh nói, việc Sở điều chuyển là do Sở cân đối về nhân sự.
Đối với phản ánh nhà trường cử giáo viên đi học, đây không phải là nguyên nhân chính dẫn tới giáo viên dạy thừa giờ.
"Việc thừa giờ là do số lượng tuyển học sinh vào nhà trường, có năm nhiều, năm ít...", thầy Sinh nói.
Trước đó, vào ngày 6/6, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đăng tải bài viết: GV THPT Nguyễn Văn Linh nói bị cắt giảm phúc lợi, Sở GD&ĐT Bình Thuận sẽ làm rõ. Về nội dung này, thầy Lương Khắc Sinh cho hay, việc ông thông báo tài chính của nhà trường về việc cắt giảm quỹ phúc lợi là do tùy kinh phí từng năm đơn vị tiết kiệm. Từ đó, nhà trường sẽ căn cứ để chi quỹ phúc lợi.
"Có năm nhà trường tiết kiệm được nhiều sẽ chi cho giáo viên nhiều, còn năm ít thì chi ít. Nó tùy theo nguồn kinh phí thường xuyên của từng năm.
Việc nhà trường thông báo về tài chính là để trình Hội đồng sư phạm xin ý kiến tạo sự thống nhất, không phải ban hành luôn", thầy Sinh chia sẻ.
Chia sẻ thêm về sự việc trên, thầy Sinh nói, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn đang trong quá trình giải quyết do còn bận trong việc tổ chức các kỳ thi vừa qua.
Về phía địa phương, do sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng, con dấu của nhà trường đã thu hồi để cấp mới. Vì vậy, trước tháng 7, tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo chi trả lương tháng 7 cho giáo viên vào ngày 23-24/6 vừa qua.