Trường Đại học Y Dược - ĐHQGHN mở 4 chương trình thạc sĩ quốc tế y khoa

Trường Đại học Y Dược (ĐHQGHN) mở 4 chương trình thạc sĩ y khoa quốc tế, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên gửi sinh viên đến Việt Nam học tập.

.t1 { text-align: justify; }

Sau quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) chính thức triển khai 4 chương trình thạc sĩ quốc tế y khoa đầu tiên, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, gồm các chuyên ngành Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Điện quang và Y học hạt nhân.

Đây là bước tiến lớn của Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) sau 5 năm thành lập, không chỉ khẳng định vị thế đào tạo trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Nhà trường cũng xác định đây là cơ hội quan trọng để khẳng định năng lực đào tạo y khoa chất lượng cao của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về quốc tế hóa giáo dục đại học.

Trước mắt, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên gửi sinh viên đến Việt Nam học thạc sĩ y khoa.

Bước đi chiến lược trong tiến trình quốc tế hóa giáo dục đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa giáo dục đại học không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là với những đơn vị tiên phong như Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội hiện thuộc nhóm 761-770 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng QS WUR 2026. Đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang triển khai Đề án chiến lược nhằm đưa hệ thống đại học thuộc nhóm đại học hàng đầu Châu Á và xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới, trong đó xây dựng và triển khai các chương trình đạt chuẩn quốc tế là hướng đột phá chính và cần triển khai sớm.

Với mục tiêu đồng hành và đóng góp vào định hướng chiến lược đó, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) xác định việc triển khai chương trình thạc sĩ quốc tế bằng tiếng Anh là bước đi quan trọng nhằm hội nhập sâu rộng với nền giáo dục đại học thế giới.

Đây cũng là cách để khẳng định năng lực đào tạo y khoa của nhà trường ở cấp độ khu vực và quốc tế, đồng thời góp phần thu hút học viên quốc tế đến Việt Nam học tập”.

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thu chia sẻ thêm, về dài hạn, nhà trường hướng tới việc xây dựng mô hình trung tâm đào tạo y khoa quốc tế đặt tại Việt Nam, phục vụ trực tiếp cho các quốc gia trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á - những nơi có nhu cầu nhân lực y tế chất lượng cao rất lớn mà khả năng đào tạo nội địa còn hạn chế. Học viên sau tốt nghiệp chương trình thạc sĩ quốc tế chính là hạt nhân thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và mở rộng hợp tác y tế giữa các quốc gia.

Thông qua chương trình thạc sĩ quốc tế, nhà trường còn kỳ vọng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, trao đổi chuyên gia, sinh viên, từ đó lan tỏa uy tín học thuật của Việt Nam nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng trên trường quốc tế.

 Poster tuyển sinh học viên quốc tế của Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Poster tuyển sinh học viên quốc tế của Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Nhằm triển khai thành công các chương trình thạc sĩ quốc tế đầu tiên, hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng học thuật theo chuẩn mực quốc tế, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xây dựng đề án với những nguyên tắc và tiêu chí chặt chẽ ngay từ đầu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thu, khi xây dựng đề án, nhà trường đặc biệt coi trọng tính chuẩn mực quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo ngang tầm với các trường đại học y khoa tiên tiến trong khu vực. Nhà trường đã đặt ra 3 nhóm tiêu chí cốt lõi, bao gồm:

Một là về nội dung đào tạo, toàn bộ đề cương chi tiết các học phần, tài liệu giảng dạy, bài giảng, hệ thống đánh giá đều sử dụng bằng tiếng Anh, bám sát chuẩn năng lực quốc tế và phù hợp với quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hai là về đội ngũ giảng viên, giảng viên tham gia chương trình thạc sĩ quốc tế đều là chuyên gia đầu ngành, có năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn theo Quyết định 72/2014/QĐ-TTg quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác và Thông tư 16/2016/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

Đồng thời, đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy, tu nghiệp quốc tế, tham gia các chương trình trao đổi học thuật quốc tế và nghiên cứu chuyên sâu. Hiện nay, đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường có 42,8% tiến sĩ trở lên, trong đó có 27,2% giáo sư, phó giáo sư cùng hơn 100 giảng viên thỉnh giảng là những bác sĩ, chuyên gia y khoa tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương.

Ba là về cơ sở thực hành, theo Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, nhà trường đã ký kết hợp tác đào tạo với nhiều bệnh viện và công ty dược hàng đầu tại Hà Nội. Một số bộ môn của nhà trường có văn phòng đặt trực tiếp tại các bệnh viện, thuận tiện cho việc tổ chức thực hành lâm sàng và nghiên cứu khoa học.

“Tất cả các chương trình thạc sĩ quốc tế của nhà trường đã trải qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt của Hội đồng thẩm định Đại học Quốc gia Hà Nội, tham chiếu chương trình của các đại học nhóm đầu về đào tạo y khoa”, cô Thu nhấn mạnh.

Nội dung đào tạo tích hợp chuẩn quốc tế với nhiều điểm mới nổi bật

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thu thông tin, 4 chương trình thạc sĩ quốc tế của nhà trường được lựa chọn là các chuyên ngành mũi nhọn với nhu cầu đào tạo rất lớn từ phía quốc tế, nhất là thị trường Ấn Độ, quốc gia mỗi năm có gần 800.000 thí sinh đạt yêu cầu học y nhưng cơ sở giáo dục đại học bản địa chỉ tiếp nhận được khoảng 10% thí sinh.

Bên cạnh đó, các chương trình được xây dựng trên nền tảng nội dung đào tạo hiện hành, tích hợp chuẩn quốc tế, với những điểm mới nổi bật như: giảng dạy 100% bằng tiếng Anh; học viên được tham gia thực hành trực tiếp tại các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E,…

Nội dung học cập nhật xu hướng y học thế giới, đặc biệt về y học chứng cứ, công nghệ hình ảnh y khoa hiện đại và kỹ năng giao tiếp y tế quốc tế. Về phương pháp giảng dạy, kết hợp lý thuyết và thực hành lâm sàng, đào tạo tích hợp tại giảng đường và bệnh viện, có sự tham gia trực tiếp của các bác sĩ điều trị, cùng với chuyên gia y khoa.

Ngoài ra, học phần Tiếng Việt cơ bản được thiết kế riêng dành cho học viên quốc tế nhằm hỗ trợ hiệu quả trong quá trình sinh hoạt, giao tiếp và thực hành lâm sàng tại các bệnh viện.

Với những học viên quốc tế có định hướng làm việc lâu dài tại Việt Nam, nội dung học phần này sẽ là nền tảng giúp học viên nhanh chóng thích nghi với môi trường sống và làm việc, đồng thời tăng cường khả năng hòa nhập trong môi trường y tế đa văn hóa.

 Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng đối tác Ấn Độ kết nối tuyển sinh học viên. Ảnh: NTCC

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng đối tác Ấn Độ kết nối tuyển sinh học viên. Ảnh: NTCC

Mặt khác, nhà trường đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và nâng cấp cơ sở vật chất.

“Nhà trường luôn khuyến khích và thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh cũng như kỹ năng giao tiếp y khoa trong môi trường quốc tế cho đội ngũ giảng viên.

Đội ngũ giảng viên cũng tích cực tham gia nhiều dự án hợp tác, chương trình đào tạo và hoạt động nghiên cứu quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập học thuật của Nhà trường.

Song song với đó, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn theo quy định hiện hành. Nhà trường cũng đang xây dựng kế hoạch bố trí khu học tập dành cho học viên quốc tế với phòng học hiện đại, trang bị đầy đủ tiện nghi phục vụ giảng dạy, học tập và trao đổi học thuật.

Hệ thống cơ sở thực hành của nhà trường gồm nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội với giảng đường và hội trường bố trí trực tiếp tại các khoa, phòng điều trị. Tại đây, học viên quốc tế được thực hành lâm sàng trong môi trường chuyên môn thực tế, sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính kết hợp tiếng Việt phù hợp với từng học phần, đảm bảo hiệu quả đào tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường thực hành y tế tại Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thu cho biết.

 Tòa nhà dành cho sinh viên và học viên Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Hòa Lạc với cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: NTCC

Tòa nhà dành cho sinh viên và học viên Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Hòa Lạc với cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: NTCC

Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên Ấn Độ, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp chặt chẽ với Aieraa Overseas Studies - đơn vị tư vấn giáo dục uy tín tại Ấn Độ, đối tác đã có kinh nghiệm đưa nhiều sinh viên Ấn Độ đến học y khoa tại Việt Nam. Hai bên xây dựng quy trình tiếp nhận, visa, nhập học, hỗ trợ nhà ở, chương trình định hướng và học tiếng Việt cho học viên quốc tế.

“Đồng thời, nhà trường đang xây dựng chính sách học bổng khuyến khích học tập nhằm hỗ trợ cho sinh viên quốc tế, đặc biệt ưu tiên học viên đạt thành tích cao trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Ngoài ra, học viên còn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu quốc tế, đảm bảo môi trường học tập, rèn luyện và trải nghiệm toàn diện tại Việt Nam”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập theo Quyết định số 1666/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/10/2020 trên cơ sở Khoa Y Dược được thành lập năm 2010.

Hiện nay, trường giảng dạy 6 ngành đào tạo đại học, 23 chuyên ngành sau đại học gồm 12 chuyên ngành thạc sĩ và 13 chuyên ngành Bác sĩ Nội trú.

Phương Thảo

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-y-duoc-dhqghn-mo-4-chuong-trinh-thac-si-quoc-te-y-khoa-post252781.gd