Hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 - Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Sáng 6/7, tại công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án Điện 1 đã phối hợp với các nhà thầu tổ chức hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1.

Hạ đặt thành công rotor có trọng lượng khoảng 585 tấn của tổ máy số 1, Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Đây là một trong những cột mốc quan trọng trong tiến trình lắp đặt thiết bị, hoàn thiện tổ máy và tiến tới mục tiêu phát điện vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Rotor tổ máy số 1 có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát, được hạ đặt vào Stator với yêu cầu kỹ thuật khắt khe và độ chính xác rất cao. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị cơ điện và đội ngũ giám sát kỹ thuật. Thành công trong việc hạ đặt Rotor không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến độ lắp đặt tổ máy mà còn thể hiện quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các đơn vị tham gia dự án trong điều kiện thi công phức tạp.
Theo ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng Giám đốc EVN, thời điểm hạ rotor là bước rất quan trọng. Khi hạ thành công rotor, quá trình tiến tới giai đoạn hòa lưới tổ máy sẽ được đẩy nhanh. "Chúng tôi đặt mục tiêu hòa lưới lần đầu tổ máy số 1 vào ngày 19/8 - đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ," ông Phương nhấn mạnh.
Ngay sau khi hoàn thành hạ rotor tổ máy số 1, mặt bằng sẽ được sử dụng để tiếp tục lắp dựng rotor tổ máy số 2. "Theo thông lệ, sau khoảng tối đa 3 tháng, chúng tôi sẽ hạ tiếp rotor tổ máy số 2. Khoảng một tháng sau đó, sẽ tiến hành hòa lưới tổ máy này. Như vậy, có thể khẳng định khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm nay, chúng tôi sẽ hòa lưới tổ máy số 2 đúng theo kế hoạch đã đề ra", ông Phương cho biết.
Cũng theo lãnh đạo EVN, việc xây dựng nhà máy thủy điện luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn ở cả khâu xây lắp và lắp dựng thiết bị do đặc thù công trình có hàng nghìn chi tiết, cấu kiện phức tạp. Tuy nhiên, với sự kiểm soát chặt chẽ từng khâu, sự tham gia của đội ngũ lắp đặt lành nghề, các rủi ro đã được hạn chế tối đa, góp phần đảm bảo tiến độ mà không xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Rotor của tổ máy số 1 có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát điện, công tác hạ đặt rotor vào stator đòi hỏi độ chính xác kỹ thuật rất cao và là một trong những bước quan trọng trong toàn bộ quá trình lắp đặt tổ máy. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Đặc biệt, dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng được triển khai ngay trên nền nhà máy thủy điện hiện hữu - một công trình có vai trò đặc biệt quan trọng với hệ thống điện quốc gia. Do đó, các hoạt động thi công đều được kiểm soát nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình hiện có, từ việc nổ mìn, vận chuyển thiết bị nặng đến xử lý chất thải đều phải tính toán kỹ lưỡng, tránh gây ảnh hưởng tới môi trường và làm phát sinh rung chấn.
Ông Phạm Hồng Phương cũng nhắc lại, vào năm 2021, tại khu vực dự án từng xảy ra hiện tượng sạt trượt, buộc EVN phải dừng thi công suốt 11 tháng theo yêu cầu của Chính phủ để tiến hành rà soát và đánh giá kỹ lưỡng. Sau khi được cho phép thi công trở lại từ tháng 10/2022, các đơn vị đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, khắc phục những khó khăn phát sinh để đưa dự án trở lại đúng lộ trình.
Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình quan trọng quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 10/4/2018. Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giao Ban Quản lý Dự án Điện 1 làm đại diện.
Dự án có quy mô xây dựng mở rộng nhà máy với 2 tổ máy, tổng công suất 480 MW (2 x 240 MW), sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng 490 triệu kWh. Tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng tại vị trí bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu; trong đó, nhà máy thuộc địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh dẫn vào thuộc các phường Thái Bình, Phương Lâm, Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (nay là phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ). Nhà thầu thi công xây dựng là liên danh gồm: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Xây dựng 47 và Công ty cổ phần Lilama 10.

Stator của tổ máy số 1 Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN
Dự án được triển khai nhằm tăng khả năng cung cấp công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao hiệu quả vận hành của nhà máy thủy điện Hòa Bình trong hệ thống, đồng thời cải thiện khả năng điều tần, ổn định tần số, góp phần giảm chi phí vận hành, kéo dài tuổi thọ các tổ máy hiện hữu và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Với việc hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1, Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng đang tiến gần hơn đến cột mốc phát điện quan trọng trong năm 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt với ngành điện và đất nước, đánh dấu chặng đường 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.