Hà Lan thu hút sinh viên quốc tế ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp

Dữ liệu từ Cục Thống kê Hà Lan cho thấy, cứ 10 du học sinh thì có 3 người ở lại Hà Lan để làm việc sau khi tốt nghiệp đại học.

Có 1/3 du học sinh sẽ ở lại Hà Lan làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: University of Amsterdam

Có 1/3 du học sinh sẽ ở lại Hà Lan làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: University of Amsterdam

Nhiều du học sinh ở lại Hà Lan làm việc sau khi tốt nghiệp đại học

Dữ liệu Cục Thống kê Hà Lan cho thấy, khoảng 32% sinh viên quốc tế tốt nghiệp trong năm học 2018-2019 đã có việc làm ở Hà Lan một năm sau đó. Trước đây, Hà Lan chỉ có khoảng 20% du học sinh ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp.

Theo Lucette Roovers, Giám đốc hợp tác toàn cầu tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda, Hà Lan, tỉ lệ sinh viên quốc tế ở lại làm việc đã trở thành tâm điểm tranh luận về vấn đề du học ở Hà Lan.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sinh viên quốc tế là những người đóng góp giá trị to lớn vào sự phát triển kinh tế của Hà Lan, nhất là những sinh viên trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp.

"Vào năm 2019, Cục Kế hoạch Hà Lan đã tính toán rằng, một sinh viên châu Âu kiếm được trung bình gần 17.000 euro cho Kho bạc Hà Lan và một sinh viên không thuộc Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) kiếm được hơn 96.000 euro", Giám đốc Lucette Roovers cho biết.

Đồng thời, Lucette Roovers nhấn mạnh rằng, kinh tế Hà Lan sẽ phát triển hơn nữa nếu sinh viên quốc tế tiếp tục sống và làm việc, đóng thuế ở đất nước này. Để làm được điều này, các trường đại học tại Hà Lan phải cần cải thiện hơn nữa các chính sách du học và "giữ chân" nhân tài. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng cần thay đổi, như cung cấp thêm các tiết học về văn hóa, ngôn ngữ Hà Lan và ngoại khóa dành cho sinh viên trường học.

Trường học cần phối hợp với doanh nghiệp để nâng cao cơ hội việc làm cho du học sinh

Hệ thống giáo dục Hà Lan được luôn thu hút sinh viên quốc tế vì các chương trình đào tạo tiếng Anh phổ biến. Ảnh: THE

Hệ thống giáo dục Hà Lan được luôn thu hút sinh viên quốc tế vì các chương trình đào tạo tiếng Anh phổ biến. Ảnh: THE

Peter Birdsall, Chủ tịch Đại học Khoa học Ứng dụng Wittenborg, Hà Lan cho biết: "Đất nước này đang rất cần những người trẻ có trí tuệ và tay nghề cao tham gia vào thị trường lao động, ở lại Hà Lan, lập gia đình và hòa nhập, từ đó trở thành công dân Hà Lan".

Đối với Peter Birdsall, giáo dục đại học là cách đơn giản và dễ dàng nhất để thực hiện loại hình nhập cư cần thiết này.

"Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rằng, điều quan trọng là phải có hồ sơ rõ ràng về sinh viên quốc tế được tuyển dụng và khả năng phát triển của họ sau khi học xong đại học. Đồng thời, vấn đề không chỉ nằm ở việc cung cấp chương trình đào tạo cho sinh viên mà các trường đại học còn cần phải phối hợp với các doanh nghiệp để đem lại cơ hội việc làm rộng mở cho họ", Birdsall nói.

Chẳng hạn như, việc chỉ cung cấp bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh hay Tâm lý học mà không xác định chắc chắn liệu những sinh viên sau khi tốt nghiệp những chuyên ngành này có thể mang lại lợi ích gì cho xã hội thì sẽ không giúp được gì cho kinh tế Hà Lan.

Quản lý số lượng du học sinh bằng kế hoạch hạn chế đào tạo đại học bằng tiếng Anh

Trong năm học 2022-2023, gần 123.000 sinh viên quốc tế đã chọn đi du học ở Hà Lan. Con số này chiếm 15% tổng số sinh viên trong cả nước, và theo Peter Birdsall, đây là con số rất phù hợp đối với một môi trường giáo dục quốc tế được cho là lành mạnh.

Nghị sĩ Pieter Omtzigt - lãnh đạo của Đảng Hợp đồng xã hội ở Hà Lan cũng là người ủng hộ việc giảm số lượng sinh viên quốc tế tại đất nước này đã lập luận phản đối việc người nộp thuế Hà Lan phải trả học phí cho sinh viên quốc tế với lý do họ thường trở về nước sau khi tốt nghiệp.

Peter Birdsall hy vọng đề xuất hạn chế đào tạo đại học bằng tiếng Anh tại Hà Lan nhằm quản lý số lượng sinh viên quốc tế sẽ có hiệu lực trong năm học tới. Bên cạnh đó, các trường đại học công lập chuyên về định hướng nghiên cứu ở Hà Lan có nhiệm vụ thay đổi hầu hết các chương trình đào tạo bậc cử nhân bằng tiếng Anh sang tiếng Hà Lan.

Còn Đại học Khoa học Ứng dụng Wittenborg là ngoại lệ của đề xuất trên bởi đây là trường đại học độc lập chuyên về định hướng ứng dụng. Tổng số sinh viên của trường bao gồm 1.500 sinh viên, trong đó có 95% sinh viên không phải là người Hà Lan và đến từ khoảng 100 quốc gia khác nhau. Số lượng tiếp nhận du học sinh của Đại học Khoa học Ứng dụng Wittenborg hàng năm rơi vào khoảng 400 sinh viên.

Theo Simone Hackett, giảng viên cao cấp tại Đại học Khoa học Ứng dụng The Hague, Hà Lan, đề xuất hạn chế đào tạo đại học bằng tiếng Anh tại Hà Lan được sự ủng hộ lớn của các trường đại học ở đất nước này.

Tuy nhiên Simone Hackett cho biết, nếu các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh bị cắt giảm nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến việc học tập liên văn hóa của sinh viên. Đồng thời sẽ có ít nhà giáo dục và nhà khoa học quốc tế làm việc tại các trường đại học của Hà Lan - điều này sẽ gây ra hậu quả tai hại cho hợp tác quốc tế và tình trạng thiếu lao động tại đất nước này.

Trong hai thập kỷ qua, số lượng sinh viên đại học tại Hà Lan đã tăng gấp đôi từ 170 nghìn lên 340 nghìn sinh viên. Trong đó, sinh viên quốc tế tăng từ 6.500 vào năm 2015 lên 18 nghìn vào năm 2021.

Năm 2022, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nhà ở, một số trường đại học ở Hà Lan đã cảnh báo sinh viên quốc tế không nên đến nước này học tập trừ khi đã tìm được chỗ ở. Bộ Giáo dục Hà Lan cũng yêu cầu các trường đại học giảm tuyển sinh quốc tế, trong khi đó, thị trưởng thành phố Amsterdam, ông Femke Halsema, đã đề nghị cư dân nước ngoài tăng cường học tiếng Hà Lan.

Vào tháng 7 năm 2023, Chính phủ Hà Lan đã thảo luận về đề xuất giới hạn số lượng sinh viên ngoài Liên minh châu Âu trong một số chương trình học. Đồng thời yêu cầu các trường đại học phải giảng dạy ít nhất 2/3 chương trình cử nhân tiêu chuẩn bằng tiếng Hà Lan.

Kết quả thảo luận của dự thảo này sẽ được công bố sau 1 năm tham vấn và nếu được thông qua, dự thảo sẽ có hiệu lực từ tháng 9 năm 2024.

Nguồn: The Pie News

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-lan-thu-hut-sinh-vien-quoc-te-o-lai-lam-viec-sau-khi-tot-nghiep-179230916163432601.htm