Hà Lộc, ngôi làng cổ lưu giữ nhiều sắc phong quý
Tỉnh Quảng Trị hiện có nhiều dòng họ, nhà thờ, từ đường, chùa làng sở hữu 1.000 trang tài liệu là sắc phong, sắc ấn, địa bạ, gia phả, hoành phi, câu đối, sách thuốc, khế ước và các loại văn tự cổ khác với ngôn ngữ Hán - Nôm. Những tài liệu này đang được bảo quản, lưu giữ trong dân khá tốt. Một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều tài liệu cổ quý hiếm đó là làng Hà Lộc, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, với 28 sắc phong và nhiều tập địa bạ, khế ước với hàng trăm trang văn bản có niên đại gần 200 năm.
Làng Hà Lộc là ngôi làng cổ, nơi có con sông Ô Giang, một nhánh của sông Ô Lâu xinh đẹp và thơ mộng chảy qua. Làng được hình thành dưới thời nhà Nguyễn. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, huyện Hải Lăng nói chung, làng Hà Lộc nói riêng là mảnh đất có đời sống văn hóa phong phú, con người với đức tính cần cù, chịu khó, đã hình thành một bản lĩnh không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ để vượt lên, chiến thắng thiên tai, địch họa, khai sơn phá thạch. Chính vì vậy mà ở đây đã sản sinh nhiều người con ưu tú của dân làng có công trạng lớn với đất nước trên các lĩnh vực, được các triều vua ban tặng nhiều sắc phong.
Theo dịch giả, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thị Thu Hường tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trong gần 30 sắc phong và hàng trăm trang tài liệu cổ mà làng Hà Lộc đang lưu giữ chủ yếu là sắc phong do các vua thời Triều Nguyễn ban tặng nhằm phong chức tước cho quý tộc, quan chức của các vương triều và sắc phong thần phong tặng cho các vị thần được thờ ở trong đình, đền, miếu, từ đường của làng Hà Lộc. Có thể kể ra đây Sắc phong ngày 10/2/1843 năm Thiệu Trị thứ 3 dịch nghĩa nội dung: “Sắc cho Hiển Văn Chiêu tiết Kỷ Mùi Khoa Tiến sĩ Phi vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung trung đẳng thần giúp nước phò dân, linh ứng hiển hách. Đã từng được ân điển ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng.
Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) chính vào lễ Ngũ tuần đại khánh của Thánh tổ Nhân Hoàng đế ta (thần) được ân điểu chiếu báu ân sâu, trật cao lễ thịnh. Luyến này Trẫm kế thừa ngôi vị, mến nghĩ đến sự tốt đẹp của thần tặng thêm cho thần (mỹ tự) là Hiển Văn Chiêu Tiết Phương Du trung đẵng thần. Vẫn chuẩn cho xã Hà Lộc, huyện Hải Lăng phụng thờ thần như xưa. Thần hãy cùng sự tốt đẹp ấy mà bảo vệ dân ta. Khâm tai!
Sắc phong ngày 30/9 năm Tự Đức thứ 3, 1850 dịch nghĩa nội dung: Sắc cho Đại Hàn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị, tôn thần vốn tặng (mỹ tự) Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa thượng đẳng thần giúp nước phò dân, linh ứng hiển hách. Đã từng ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Luyến nay Trẫm kế thừa mệnh lớn mến nghĩ đến sự tốt đẹp của thần bèn tặng thêm cho thần (mỹ tự) Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang huy thượng đẵng thần. Vẫn chuẩn cho xã Hà Lộc, huyện Hải Lăng như xưa phụng thờ. Thần hãy cùng phò trợ mà bảo vệ dân ta. Khâm tai!
Có thể nói các sắc phong và sắc ấn, địa bạ, khế ước.. đang lưu giữ tại làng Hà Lộc là bản gốc làm từ chất liệu giấy dó được hình thành cách đây gần 200 năm trở lại, thời kỳ trị vì của các vị vua Cảnh Thịnh, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân Khải Định, Bảo Đại. Mặc dù đã qua nhiều niên đại khác nhau, nhưng vẫn được người dân gìn giữ, tôn kính về vai trò tối thượng, đặc ân của nhà vua trong việc trị vì muôn dân và cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng, đời sống tâm linh trong các lễ hội dân gian cũng như sinh hoạt văn hóa của làng, xã. Các sắc phong dưới triều nhà Nguyễn ban tặng cho người dân Hà Lộc được xem như những đánh giá về công trạng, sự đóng góp của nhiều cá nhân, trong làng cho chế độ quân chủ thời bấy giờ. Các sắc phong đề cập đến nhiều nội dung, trong đó có các nội dung về phong tước, phong hàm, phong hiệu và đánh giá cao về giá trị công lao của làng Hà Lộc trong công cuộc xây dựng đất nước lúc bấy giờ.
Những tài liệu sắc phong, sắc ấn, địa bạ, gia phả, khế ước và các loại văn tự cổ khác với ngôn ngữ Hán - Nôm được lưu giữ ở làng Hà Lộc là những tài liệu quý hiếm, không chỉ là những hiện vật giàu tính khoa học, mà còn phản ánh tín ngưỡng thờ thần, là hiện vật linh thiêng trong đời sống tâm linh của người dân làng Hà Lộc. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ cần tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ một phần ngân sách cho cơ sở trong việc tu bổ, phục chế, bảo quản. Đồng thời địa phương cần phải có kế hoạch sưu tầm những tài liệu quý hiếm, đưa vào lưu trữ vĩnh viễn và bảo quản tốt hơn nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử; tuyên truyền quảng bá giới thiệu rộng rãi trong Nhân dân, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu khoa học.
Sắc phong, sắc ấn, địa bạ, gia phả, hoành phi, khế ước cổ là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, là nguồn sử liệu quan trọng quý giá, phản ánh được toàn cảnh bức tranh về văn minh, thước đo trình độ quản lý nhà nước từ xưa đến nay. Những tài liệu này góp phần quan trọng ghi lại và truyền bá cho thế hệ mai sau phát huy, kế thừa những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại.