Hà Nội áp dụng công nghệ, nhận cảnh báo sức khỏe nhân dân qua ứng dụng số
Đề án 'Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của các cơ sở y tế công lập đến năm 2030' của UBND TP Hà Nội có hàng loạt cải cách quy mô lớn, có tính hệ thống.
Từ nay đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu cải tổ toàn diện hệ thống y tế công lập, với các trụ cột gồm, tổ chức lại mạng lưới KCB, nâng cao chất lượng nhân lực, đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện và chuyển đổi số y tế theo hướng thông minh, hiện đại.

Chuyển đổi số được Hà Nội chú trọng trong kế hoạch nâng cao chất lượng y tế công
Chuyển đổi số toàn diện: Từ hồ sơ sức khỏe đến báo động đỏ
Chuyển đổi số là nội dung có phạm vi và chiều sâu lớn nhất trong toàn bộ kế hoạch.
Từ quý III/2025 đến quý IV/2027, Hà Nội sẽ triển khai loạt giải pháp công nghệ, bao gồm hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bệnh án điện tử tại tất cả cơ sở KCB, hệ thống điều hành y tế tập trung, dữ liệu mở y tế, liên thông thông tin hành chính – chuyên môn – tài chính.
Thành phố sẽ phát triển các ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa, theo dõi người bệnh tại nhà qua thiết bị thông minh, xây dựng hệ thống báo động đỏ, kích hoạt phản ứng khẩn cấp nội viện với các ca nguy kịch. Đồng thời, người dân sẽ có thể tra cứu thông tin y tế, bác sĩ, dịch vụ khám chữa bệnh trên một cổng thông tin số tích hợp.
Một chuyên gia y tế số tại Hà Nội nhận định, nếu thực hiện đúng lộ trình, chuyển đổi số y tế tại Hà Nội không chỉ thay đổi phương thức vận hành bệnh viện mà còn tạo ra hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện, cá nhân hóa cho người dân.
Tăng tốc xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện
Một điểm nhấn đáng chú ý trong kế hoạch nâng cao chất lượng KCB ở lĩnh vực y tế công của Hà Nội là xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện, gắn với mô hình thành phố thông minh.
Theo đó, Hà Nội sẽ thiết lập mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện, giúp tiếp cận bệnh nhân tại nơi xảy ra tai nạn hoặc đột quỵ trong thời gian nhanh nhất. Hệ thống này bao gồm xe cấp cứu được trang bị thiết bị hiện đại, trung tâm điều phối cấp cứu tập trung, kết nối GPS, cảnh báo khẩn cấp từ người dân qua ứng dụng số, phối hợp chặt chẽ giữa y tế, công an, giao thông, chính quyền cơ sở.
Đề án phát triển cấp cứu ngoại viện được xây dựng và bắt đầu triển khai từ giữa năm 2025. Mục tiêu là giảm thiểu thời gian "vàng" trong cấp cứu, đặc biệt với các ca đột quỵ, tai nạn giao thông, và nâng cao khả năng sống sót cho người dân.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ xây dựng mới hoặc tổ chức lại các cơ sở hiện có thành 4 bệnh viện đa khoa tại các quận Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm – nơi dân số tăng nhanh nhưng hệ thống bệnh viện còn thiếu hụt. 4 bệnh viện lớn gồm Bệnh viện Xanh Pôn, Ung bướu Hà Nội, Tim Hà Nội và Phụ sản Hà Nội sẽ được phát triển thành các bệnh viện đảm nhiệm chức năng vùng, đóng vai trò dẫn dắt chuyên môn và giảm tải cho tuyến trên.
Hướng tới y tế công bằng, chất lượng cao cho Thủ đô
Với lộ trình kéo dài đến năm 2030, kế hoạch nâng cao chất lượng KCB công lập của Hà Nội cho thấy tầm nhìn xa và sự quyết tâm cải cách triệt để của thành phố.
Từ tổ chức lại mạng lưới, đầu tư bệnh viện mới, nâng cấp bệnh viện vùng, xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện, đến đào tạo nhân lực và chuyển đổi số – tất cả đều nhằm tạo ra một hệ thống y tế tiếp cận dễ dàng, chất lượng cao, công bằng và hiện đại.
Việc triển khai sẽ có sự phối hợp của các sở, ngành và địa phương, dưới sự điều phối của Sở Y tế. Trong quá trình thực hiện, kế hoạch có thể được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả lâu dài.