Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, lập thành phố trong thành phố
TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh bên cạnh các đô thị trung tâm và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ.
Ngày 1-8, Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" với tham gia của nhiều chuyên gia đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện ở Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội nêu rõ, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với yêu cầu Thủ đô Hà Nội phải là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu này thì việc hoàn thiện thể chế mà trọng tâm then chốt là hoàn thiện Luật Thủ đô là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết và là cơ hội để Thủ đô bứt phá phát triển.
Trước thực trạng, TP Hà Nội đang đối mặt với những thách thức về môi trường, gia tăng dân số, góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách.
Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh bên cạnh các đô thị trung tâm và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ.
“Thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của pháp luật và điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của TP Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho TP Hà Nội, trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển”, TS Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, GS-TS Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bổ sung các điều khoản có tính pháp lý, tạo nền tảng, tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo, hòa bình của thế giới, đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy định phân quyền cho TP Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài tạo thành một mạng lưới đô thị. Trong đó, mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn cho rằng TP Hà Nội cần nghiên cứu mô hình "đô thị nén" ở khu vực đô thị trung tâm với định hướng trong thành phố có rừng, vành đai xanh, không gian xanh, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh. Nếu triển khai, rừng Hà Nội sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường cảnh quan, là vành đai, "lá phổi xanh" bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Rừng Hà Nội cũng gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa quan trọng cần được ưu tiên bảo vệ và là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
“Cần nghiêm cấm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Thay vào đó, thành phố có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ không gian xanh", ông Nguyễn Bá Long đề nghị.