Hà Nội cần gấp rút chuyển đổi xanh xe kinh doanh vận tải
Hà Nội hiện có hàng trăm nghìn xe kinh doanh vận tải (KDVT) cả hành khách lẫn hàng hóa, phần lớn trong số đó vẫn sử dụng nhiên liệu xăng dầu, là một trong những nguồn phát thải chính của TP. Để giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm, Hà Nội cần gấp rút chuyển đổi toàn bộ xe KDVT sang sử dụng nhiên liệu sạch, đặc biệt là nhóm phương tiện nhỏ có tần suất hoạt động hàng ngày rất cao.
Nguồn phát thải không nhỏ
Hà Nội đang đặt quyết tâm rất cao giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua việc chuyển đổi xanh giao thông nói chung, bắt đầu từ phương tiện vận tải hành khách công cộng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện đã có 12,86% xe buýt và 47,4% xe taxi chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Dự kiến đến năm 2030, TP sẽ hoàn thành chuyển đổi 100% hệ thống vận tải công cộng sang sử dụng phương tiện xanh. Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Thủ đô phải bám sát lộ trình hạn chế, tiến tới dừng hoạt động xe cá nhân sử dụng xăng trong nội đô.

Xe buýt điện hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn xe KDVT hiện vẫn chưa có lộ trình cụ thể chuyển đổi xanh. Theo tính toán sơ bộ, TP còn hàng chục nghìn xe taxi, xe giao hàng, bao gồm cả ô tô và xe máy, sử dụng xăng. Đây là nguồn phát thải không nhỏ đang xả khí thải trực tiếp vào bầu không khí. Có thể dễ dàng nhận thấy mỗi ngày vẫn có hàng ngàn nhân viên giao hàng cho các thương hiệu lớn như: Grab, Shoope, Bee… sử dụng xe xăng với tần suất rất cao để làm việc. Bên cạnh đó, nhiều loại xe tải nhỏ, xe hoán cải, xe ba bánh tự chế… vận chuyển hàng hóa luồn lách trong mọi ngóc ngách của Hà Nội. Đây chính là nguồn phát thải cần phải được giảm thiểu trước cả xe cá nhân.
Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra lộ trình bắt buộc những người làm công việc giao hàng phải chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe sử dụng nhiên liệu sạch trước. Đây là lộ trình được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp và khả thi hơn so với việc hạn chế xe cá nhân chạy bằng xăng hoạt động trong thành thị. Trên thực tế nhiều người dân chỉ sử dụng xe máy xăng để đi từ nhà đến trường học, cơ quan, nơi làm việc với tần suất 2 lượt/ngày. Trong khi đó mỗi chiếc xe của người giao hàng lại hoạt động từ 6 - 10 tiếng liên tục mỗi ngày. Do đó lượng phát thải từ nhóm nhỏ này lại có thể chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn khí thải của TP.
Mặt khác, trong vài năm tới, khi mạng lưới vận tải công cộng của Hà Nội phát triển hoàn chỉnh, phần lớn người dân sẽ có điều kiện chuyển đổi thẳng từ sử dụng xe xăng cá nhân sang đi xe buýt, tàu điện, xe đạp công cộng, đi bộ… Còn xe kinh doanh vận tải vẫn sẽ hoạt động liên tục, nhất là xe chở hàng cỡ nhỏ như xe máy, xe ba bánh, xe bán tải… Điều đó lại càng cho thấy việc cần kíp của TP là phải chuyển đổi toàn bộ nhóm xe KDVT sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Có thể thấy, việc chuyển đổi toàn bộ xe KDVT sang xe điện cũng rất khó khăn, thách thức, cần có lộ trình dài hơi. Đặc biệt là với xe khách và xe tải cỡ lớn. Tuy nhiên với nhóm phương tiện vận chuyển nhỏ, mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Hà Nội hiện đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi cả xe chở rác, phục vụ vệ sinh môi trường và xe ba bánh sang phương tiện xanh. Các hãng xe điện cũng đã bắt tay vào sản xuất xe tải cỡ nhỏ, phù hợp với hạ tầng đô thị có mật độ dân cư cao như Hà Nội. Do đó đã đủ điều kiện để đưa ra một lộ trình cụ thể chuyển đổi hoàn toàn xe KDVT sang phương tiện xanh.
Doanh nghiệp cần cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm
Chính phủ và Hà Nội đang tìm mọi nguồn lực, kêu gọi các DN sản xuất xe điện chung tay cùng TP hỗ trợ người dân dần chuyển đổi sang phương tiện xanh. Đây là lúc các DN chuyên về KDVT cần thể hiện sự ủng hộ thiết thực, cộng đồng và chia sẻ trách nhiệm với TP trên lộ trình chuyển đổi xanh giao thông.
TP cần đưa ra một kế hoạch cụ thể, trước tiên chuyển đổi xe máy, xe tải cỡ nhỏ, bán tải… vận chuyển hàng hóa sang phương tiện xanh, yêu cầu các DN lớn, chẳng hạn như Grab phải thực hiện trước. Nếu phó thác tất cả cho người lao động, yêu cầu họ phải có xe máy điện mới được nhận việc sẽ gây khó khăn rất lớn. Bởi vậy, các DN phải có sự đồng hành, hỗ trợ người lao động thay thế phương tiện; còn chính quyền TP sẽ hỗ trợ DN trong kiến thiết hạ tầng nhiên liệu, xem xét giảm, giãn các loại thuế phí.
Chắc chắn khi bắt buộc chuyển đổi toàn bộ sang phương tiện xanh, không ít DN KDVT sẽ lo ngại chi phí tăng cao, tìm cách đẩy vấn đề cho người lao động giải quyết. Chính quyền TP cần thể hiện rõ vai trò “cầm cân nảy mực” của mình, hài hòa lợi ích các bên, vừa hỗ trợ, vừa vận động DN đồng hành với người dân, người lao động trong chuyển đổi xanh giao thông. Nếu DN để mặc người lao động tự xoay xở, chắc chắn lộ trình chuyển đổi xanh xe KDVT sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Về phía các DN sản xuất xe điện cần tích cực nghiên cứu, tạo ra những mẫu xe máy, ô tô điện chuyên dụng cho công việc KDVT với độ bền và thời gian sử dụng dài hơn. Xây dựng các trạm sạc tập trung chuyên phục vụ xe KDVT. Hơn nữa, cần sản xuất ra những mẫu xe tải điện nhỏ, phù hợp với đặc thù đô thị đông đúc, nhiều đường phố nhỏ của Hà Nội hiện nay. Nếu có xe tải điện nhỏ, chắc chắn các loại xe ba bánh tự chế, xe hoán cải cũ nát dần dần sẽ tự triệt tiêu trên đường phố, vừa giảm thiểu ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông, vừa ngăn ngừa ô nhiễm môi trường không khí.
Hà Nội cũng như các bộ, ngành cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đối với xe KDVT hoạt động trong nội đô, khu vực phát thải thấp, theo hướng ưu tiên xe sử dụng năng lượng sạch. Chẳng hạn như Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc đưa ra quy định cấm xe tải nhỏ (hoán cải từ xe chở người từ 10 chỗ trở xuống) hoạt động trong đô thị, hoặc các vùng phát thải thấp. Hà Nội có thể vừa vận động, vừa đưa ra chính sách ưu đãi để người sử dụng chuyển đổi hoàn toàn xe ba bánh vận chuyển hàng hóa sang xe điện cỡ nhỏ.
Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ chuyển đổi toàn bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng sang phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Từ nay tới thời điểm đó, TP cũng cần từng bước hoàn thành “xanh hóa” xe vận chuyển hàng hóa. Thậm chí có thể chuyển đổi xe KDVT trước, sau đó mới đến phương tiện giao thông cá nhân.
Phương án chuyển đổi từng phần một cách hợp lý, chặt chẽ còn có thể tác động tích cực đến tâm lý người dân. Nếu xe KDVT, với tần suất hoạt động cao hơn gấp nhiều lần còn có thể sử dụng điện, thì niềm tin của người dân vào phương tiện xanh sẽ càng được củng cố chắc chắn hơn. Tuy nhiên, dù là chuyển đổi xanh phương tiện KDVT hay xe cá nhân,
Hà Nội cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là về hạ tầng trạm sạc để bảo đảm người dân, DN có thể sử dụng một cách thuận tiện, dễ dàng, giảm thiểu mọi xáo trộn, khó khăn có thể xảy ra.