Hà Nội còn bao nhiêu tuyến đường bị 'bóp nghẹt'?
Không chỉ riêng tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, trên địa bàn Hà Nội còn nhiều tuyến đường, khu đô thị có dấu hiệu điều chỉnh quy hoạch, bị 'bóp nghẹt'.
Ghi nhận của PV Tiền Phong trên nhiều tuyến đường tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy như Hoàng Minh Giám, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi… thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm.
Trong khi đó, các tuyến phố này vẫn đang tiếp tục được quy hoạch thêm những cao ốc mới. Điển hình là khu đất 3 nhà máy sản xuất cao su Sao Vàng, xà phòng và thuốc lá Thăng Long tại địa chỉ 231-235 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) sau khi di dời đã được quy hoạch sẵn làm những khu nhà ở hiện đại cao tầng.
Tháng 8/2015, UBND Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng đô thị có tổng diện tích gần 110.000 m2, dân số khoảng 9.710 người tại 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi. Cụ thể, bao gồm công trình có chức năng hỗn hợp với chiều cao 43 và 46 tầng; kết hợp với công trình có chức năng văn phòng cao 43 và 46 tầng.
Cách đó không xa là khu đất 87- 89 Hạ Đình của Cty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Doanh nghiệp này cũng nhiều lần có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, điều chỉnh mục đích sử dụng khu đất 87 - 89 Hạ Đình để làm dự án bất động sản.
Tại quận Nam Từ Liêm - nơi đang phát triển nóng của thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội cũng đã có nhiều dự án được điều chỉnh theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng, mật độ dân cư.
Tháng 1/2022, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký Quyết định số 426 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỉ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha.
Theo đó, đối với khối văn phòng (ký hiệu số 2) đề xuất điều chỉnh giảm diện tích xây dựng được duyệt từ hơn 1.790m2 xuống còn 1.493m2; tăng tầng cao từ 28 tầng lên thành 38 tầng; tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2, đồng thời đề xuất điều chỉnh chức năng từ "Văn phòng" sang thành "Thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ". Mật độ xây dựng toàn dự án sau điều chỉnh là 24%. Hệ số sử dụng đất là 6,45 lần. Dân số dự án đề xuất tăng thêm 848 người (tổng dân số toàn dự án sau điều chỉnh là khoảng 3.988 người).
Cùng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng đã ký 2 quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu ĐTM Mỹ Đình II và Xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng.
Hà Nội không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch?
Ngày 5/7, Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội cho biết, sẽ giải trình làm việc và thống nhất với lãnh đạo Bộ Xây dựng để báo cáo Thủ tướng về kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Theo đó, thành phố Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt nên Luật Xây dựng trước đây và Luật Quy hoạch hiện nay đã quy định rất rõ: Trách nhiệm lập quy hoạch xây dựng chung được giao cho Bộ Xây dựng chủ trì cùng UBND thành phố Hà Nội tổ chức lập. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi được Quốc hội thông qua.
Theo thành phố Hà Nội, để trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt điều chỉnh về quy hoạch thì đều phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Cho đến khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì các nội dung điều chỉnh mới được thực hiện.
"Căn cứ theo quy định này thì không thể khẳng định việc, thành phố Hà Nội đã tùy tiện điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch Thủ đô", Sở QH&KT Hà Nội khẳng định.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-con-bao-nhieu-tuyen-duong-bi-bop-nghet-post1451567.tpo