Hà Nội: Đẩy mạnh vai trò tích cực của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
TP Hà Nội đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ nghệ nhân. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã được các cấp triển khai hiệu quả, đi vào thực tiễn. Hiện nay, các quận, huyện, thị xã các đã và đang triển khai thực hiện, hỗ trợ kiện toàn, thành lập các CLB tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể...
Hà Nội hiện có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể các loại, là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất của cả nước, bao gồm nhiều loại hình khác nhau, từ tri thức dân gian, tập quán xã hội cho đến các loại hình diễn xướng dân gian… TP Hà Nội cũng có 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân Dân, 113 người được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
TP Hà Nội đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ nghệ nhân. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã được các cấp triển khai hiệu quả, đi vào thực tiễn. Hiện nay, các quận, huyện, thị xã các đã và đang triển khai thực hiện, hỗ trợ kiện toàn, thành lập các Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 của Chính phủ quy định về việc Tổ chức, hoạt động và quản lý Hội và các quy định liên quan.
Theo đó, tháng 12/2022, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết về quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú", Nghệ nhân và CLB tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội. TP Hà Nội thực hiện hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú kinh phí hàng tháng, góp phần động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị các di sản đang nắm giữ.
Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã các đã và đang triển khai thực hiện, hỗ trợ kiện toàn, thành lập các CLB tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Các CLB này sẽ được hỗ trợ lần đầu, hỗ trợ hàng năm để hoạt động. Đến nay, đã có 2 CLB được thành lập: CLB Trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và CLB ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông), 10 CLB đã thành lập Ban Vận động và đang hoàn thiện thủ tục thành lập CLB như: CLB Ca trù Lỗ Khê, Chanh Thôn, CLB múa bồng Triều Khúc, CLB tuồng xã Xuân Nộn…
Các quận, huyện như: Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình… đã tổ chức triển khai truyền dạy các loại hình di sản và chi kinh phí hỗ trợ cho các nghệ nhân.
Theo PGS.TS. Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, trong mối quan hệ giữa di sản văn hóa phi vật thể với việc hình thành bản sắc văn hóa người Hà Nội, nghệ nhân di sản với vai trò là trung tâm trao truyền di sản, nhân vật năng động và sáng tạo trong thực hành di sản sẽ góp phần lớn trong việc trao truyền những giá trị tinh túy của văn hóa hàng nghìn năm, giúp kiến tạo vốn văn hóa cho con người Hà Nội hôm nay.
Nghệ nhân vừa là một bộ phận quan trọng của di sản, vừa là nhân tố năng động, sáng tạo và mang một trọng trách xã hội lớn lao không chỉ đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà còn hướng tới phục vụ lợi ích cộng đồng ở một phạm vi rộng lớn hơn. Họ vừa có vai trò quan trọng trong kiến tạo, trao truyền và thực hành di sản, vừa là những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng di sản nói riêng, đối với xã hội nói chung.
PGS.TS. Trần Thị An nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nghệ nhân còn là những người có trọng trách trong việc bồi đắp và củng cố các giá trị văn minh thanh lịch của người Hà Nội, góp phần vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
GS.TS. Lê Hồng Lý (Hội văn nghệ dân gian Việt Nam), nghệ nhân dân gian là người có kinh nghiệm với vốn sống và đạo đức chuẩn mực, là tấm gương sáng quy tụ, trở thành "trụ cột" của cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Với kinh nghiệm sống và những tri thức dân gian đang nắm giữ, cùng với cộng đồng, nghệ nhân tham gia vào công việc dạy dỗ, hướng dẫn cho thế hệ trẻ lòng tự hào và trách nhiệm về bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc. Điều này giúp cho thế hệ trẻ có được nhận thức đúng đắn và trân trọng về loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang học tập, nắm giữ.
Nghệ nhân dân gian nắm giữ "bí quyết" về việc thực hành loại hình di sản văn hóa phi vật thể nên được cộng đồng tin tưởng. Với tri thức, kĩ năng đang nắm giữ, họ miệt mài cống hiến, sáng tạo và truyền dạy những làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống… cho thế hệ trẻ bằng hình thức truyền khẩu theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Họ là những người thay mặt cộng đồng sáng tạo, gìn giữ, truyền dạy và phát huy vốn văn hóa dân gian bằng con đường "cha truyền con nối".